Tiết lộ “công thức” tạo nên một vận động viên hoàn hảo

  •  
  • 6.656

Một vận động viên xuất sắc chính là “sản phẩm” của quá trình làm việc, luyện tập chăm chỉ, nghiêm túc, có bài bản. Tuy nhiên, điều đó không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Dưới đây là “công thức” giúp tạo nên những vận động viên đầy tiềm năng, có thể sẽ rất hữu ích với các nhà quản lý trong việc xây dựng một nền thể thao vững mạnh.

1.Gene

Các yếu tố liên quan đến sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng trong một số bộ môn thể thao như chạy, bơi lội, cử tạ… không hề phụ thuộc vào quá trình huấn luyện, đào tạo mà được quyết định bởi gene. Dù cho bạn có ra sức rèn luyện chăm chỉ đến đâu thì số lượng sợi cơ cũng sẽ chẳng tăng được nếu không có “tiềm lực” di truyền, Bob Girandola - một nhà nghiên cứu về sự chuyển động cơ học của cơ thể tại Đại học Nam California cho biết.

Các sợi cơ phân chia thành 2 loại: co nhanh và co chậm. Kiểm tra di truyền cho thấy trong cơ thể một vận động viên marathon xuất sắc thì sợi cơ co chậm chiếm từ 80% đến 90% nếu không họ sẽ chẳng thể chạy quá khoảng thời gian 2 giờ 15 phút. Ngược lại, nếu là vận động viên chạy nước rút, sợi cơ co nhanh mới là yếu tố quyết định tốc độ. Tất cả những điều này không thể xuất phát từ sự đào tạo, Girandola nói thêm.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc sản xuất cơ phụ thuộc vào biến thể gene ACTN3 là X và R. Sự kết hợp giữa 2 bản sao của biến thể X tạo ra nhiều sợi co chậm và sẽ phát huy tối đa lợi thế ở các môn thể thao đòi hỏi sức bền, trong khi 2 bản sao của biến thể R cùng “sở trường” là các sợi co nhanh thì phù hợp với hoạt động đòi hỏi sức mạnh hay tốc độ. Vì vậy, để không lãng phí thời gian phát hiện và đào tạo, nhiều nhà quản lý thậm chí còn tiến hành xét nghiệm nước bọt để xác định gene ACTN3 ở nhóm ứng cử viên tiềm năng.

2. Hình dáng

Yêu cầu về hình dáng cơ thể ở các môn thể thao khác nhau sẽ không giống nhau. Phần lớn cầu thủ bóng rổ đều cao trong khi vận động viên cử tạ thường thấp, bè bè và chắc nịch. Đối với vận động viên chạy nước rút, một số nhà khoa học suy đoán lý do tại sao những kỷ lục gia thế giới ở hạng mục 100 mét trong 50 năm qua đều là người gốc Tây Phi, đó là vì người da đen thường có trọng tâm cơ thể (chính là vị trí của rốn) cao.

Vị trí rốn của vận động viên Tây Phi cao hơn 3cm so với vận động viên châu Âu hay châu Á và điều này đã giúp họ có được lợi thế về tốc độ trong các cuộc thi điền kinh, nhất là những cuộc đua dưới 10 giây, nhờ có chân dài hơn. Trong khi đó, vì trọng tâm cơ thể của người châu Á hoặc người da trắng thấp hơn nên thân hình sẽ dài hơn và do vậy, họ có xu hướng thống trị trong bơi lội, Giáo sư Adrian Bejan thuộc Đại học Duke (Mỹ) kết luận sau 1 nghiên cứu năm 2010.

Usain Bolt giành chiến thắng trong 100m cuối cùng tại Thế vận hội Olympic 2008.
Usain Bolt giành chiến thắng trong 100m cuối cùng
tại Thế vận hội Olympic 2008. (Ảnh: SeizureDog)

3. Năng lực tinh thần

Khi nói đến các môn thể thao như đua thuyền, thể dục và bóng đá, ngoài một số đặc điểm tự nhiên thuộc về năng khiếu hay hình dáng cơ thể thì quá trình thực hành mới là yếu tố quyết định. Như ở Brazil - đất nước sản sinh ra nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng, bạn có thể bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tập luyện với trái bóng mọi lúc mọi nơi, vào buổi sáng, trưa và thậm chí cả đêm.

Tuy nhiên, với tần suất luyện tập như nhau, một số người vẫn trở nên nổi bật hơn nhờ vào năng lực tinh thần. “Bộ não của vận động viên xuất sắc được cấu tạo theo hướng dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu đau cơ bắp, cho phép họ có khả năng vượt qua chấn thương và chịu đựng được sự tích tụ của acid lactic gây mỏi cơ”, Giáo sư Jon Williamson đến từ Trung tâm y tế trường Đại học Tây nam Texas cho biết. Acid lactic là một loại nhiên liệu cơ được tạo ra từ sự phân hủy glucose trong khi tập luyện vất vả. Sự tích tụ nó gây ra cảm giác nóng bừng như bị thiêu đốt khiến bạn muốn nổ tung. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể làm rõ câu hỏi liệu khả năng chịu đau đớn là do bẩm sinh hay qua quá trình học tập và rèn luyện.

4. Phản ứng của não

Nghiên cứu gần đây đã phát hiện thấy ở nhóm vận động viên hàng đầu, sự hoạt động diễn ra thường xuyên hơn tại một vùng não gọi là insula (phần thùy nhỏ ở não trước). “Đó là một trong những khu vực có chức năng nhận thức và kiểm soát cảm xúc, động cơ cho phép bạn xử lý thông tin bên ngoài cũng như tạo ra phản ứng bên trong”, Williamson chia sẻ.

Bằng cách dự đoán nhu cầu sắp tới của cơ thể, insula sẽ tạo ra một phản ứng vật lý sớm nhằm duy trì phong độ. Ví dụ, bạn đang chạy và nhìn thấy một con dốc ở phía trước, nếu bạn là vận động viên có kinh nghiệm hoặc đã trải qua quá trình đào tạo bài bản, cơ thể bạn sẽ ngay lập tức có sự điều chỉnh như cung cấp máu đến các cơ bắp nhanh hơn, giúp bạn vượt qua con dốc dễ dàng.

Tuy vậy, hoạt động vỏ não có được là do đào tạo hay chỉ đơn giản là bởi bản chất sẵn có hiện vẫn là thắc mắc chưa có câu trả lời rõ ràng, Williamson nói.

Tham khảo: Livescience

Theo Đất Việt, Livescience
  • 6.656