Tiểu hành tinh bí ẩn Oumuamua là mảnh vỡ tạc ra từ một hành tinh tương tự như sao Diêm Vương (Pluto) thuộc Hệ Mặt trời khác. Đây là giả thiết do các nhà khoa học Mỹ đưa ra, nội dung tương ứng được đăng trên ấn phẩm khoa học Journal of Geophysical Research: Planets.
Theo các tác giả nghiên cứu là Stephen Dash và Alan Jackson, hai nhà vật lý thiên văn từ Đại học Arizona, mặc dù trông giống như một ngôi sao chổi, nhưng ngoài sự giống nhau về hình dạng khác thường thì Oumuamua khác sao chổi về tốc độ, cũng như không có "đuôi" khí đặc trưng như sao chổi.
Sau khi tính toán tốc độ, khối lượng và hình dạng vật thể, các nhà khoa học nhận thấy rằng chất nitơ rắn hoàn toàn phù hợp với các đặc điểm của vật liệu cấu tạo nên Oumuamua. Do băng nitơ rắn là một thành phần quan trọng trong cấu tạo bề mặt của Sao Diêm Vương, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng tiểu hành tinh này có thể được cấu tạo nên từ cùng một loại vật liệu.
Theo Jackson, Oumuamua có thể đã tách ra khỏi một hành tinh như Sao Diêm Vương khoảng nửa tỷ năm trước.
Thực tế nó được cấu tạo từ nitơ đóng băng cũng lý giải được hình dạng bất thường của Oumuamua. Khi các lớp băng nitơ bên ngoài bốc hơi thì hình dạng của vật thể ngày càng trở nên phẳng hơn", nhà vật lý thiên văn cho biết.
Tiểu hành tinh Oumuamua là vật thể giữa các vì sao đầu tiên được phát hiện trong Hệ Mặt Trời vào ngày 19/10/2017 bằng kính viễn vọng panorama và hệ thống phản ứng nhanh Pan-STARRS1 trên đảo Hawaii. Trong tiếng Hawaii cái tên này có nghĩa là "Sứ giả đầu tiên đến từ phương xa". Lúc đầu nó bị coi là một ngôi sao chổi, nhưng sau đó, do không có đặc điểm hoạt động của sao chổi nên nó được phân loại lại thành một tiểu hành tinh.
Vật thể không gian này không giống bất cứ thứ gì trong Hệ Mặt trời của chúng ta. Bề mặt khô, hình dạng kéo dài bất thường và tính chất bí ẩn về chuyển động của nó thậm chí còn khiến một số nhà khoa học cho rằng đó là một con tàu thám hiểm của người ngoài hành tinh.