Tiểu hành tinh 2012 TC4 không va chạm với Trái Đất

  •  
  • 1.951

Tiểu hành tinh 2012 TC4 sẽ băng qua Trái Đất ở khoảng cách rất gần vào giữa tháng 10.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 sẽ bay vụt qua Trái Đất ở khoảng cách 43.935km, bằng 1/8 quãng đường từ Trái Đất đến Mặt Trăng (384.400km) vào ngày 12/10, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Khoảng cách này vừa đủ để tiểu hành tinh không va vào những vệ tinh quay ở quỹ đạo 35.406km bên trên Trái Đất, Sun hôm qua đưa tin.


Đồ họa đường bay của tiểu hành tinh 2012 TC4. (Video: YouTube).

"Chúng tôi chắc chắn thiên thể này không có khả năng đâm vào Trái Đất. Không có bất cứ nguy hiểm nào cả", AFP dẫn lời nhà khoa học Detlef Koschny thuộc nhóm nghiên cứu ở ESA.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 lần đầu tiên bay ngang qua Trái Đất vào tháng 10/2012. Nó dài khoảng 15-30m và di chuyển ở tốc độ 15km/giây.

Trước đó, các nhà khoa học dự đoán tiểu hành tinh sẽ ghé sát Trái Đất cuối năm nay nhưng không dám chắc nó sẽ bay gần tới mức nào. Kính viễn vọng Very Large Telescope ở Đài quan sát Nam châu Âu (ESO) ở Chile đã theo dõi 2012 TC4 và xác định lộ trình của nó.

"Nó đến quá gần", Rolf Densing, người đứng đầu Trung tâm điều hành vũ trụ châu Âu ở Darmstadt, Đức, nhận xét. "Những vệ tinh xa nhất bay ở độ cao 36.000km, do đó đây thực sự là một cú bay sượt".

Đối với các nhà nghiên cứu, lần bay sượt này của 2012 TC4 sẽ là cơ hội hiếm hoi để thử nghiệm các hệ thống bảo vệ hành tinh trên Trái Đất, có chức năng tập trung vào cảnh báo sớm thay vì chủ động làm chệch hướng tiểu hành tinh.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 trong ảnh chụp từ kính viễn vọng Very Large Telescope.
Tiểu hành tinh 2012 TC4 trong ảnh chụp từ kính viễn vọng Very Large Telescope. (Ảnh: ESA).

Việc quan sát chuyển động của 2012 TC4 "là một cơ hội tuyệt với để kiểm tra khả năng của cộng đồng quốc tế trong công tác phát hiện và theo dõi các vật thể gần Trái Đất, cũng như đánh giá khả năng phối hợp phản ứng trước mối đe dọa thực sự từ tiểu hành tinh", ESA nhấn mạnh.

Một thiên thể dài 40m, chỉ hơi lớn hơn 2012 TC4, từng gây ra vụ va chạm thuộc loại lớn nhất với Trái Đất khi phát nổ phía trên Tunguska, Siberia, năm 1908. Năm 2013, một sao băng đường kính 20m nổ tung trên bầu trời thành phố Chelyabinsk ở trung tâm nước Nga với năng lượng tương đương 30 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Sóng xung kích từ vụ nổ làm vỡ kính cửa sổ của gần 5.000 tòa nhà và khiến hơn 1.200 người bị thương.

Nếu thiên thể 2012 TC4 bay vào khí quyển Trái Đất, nó sẽ gây ra hậu quả tương tự sự kiện ở Chelyabinsk, theo ESA.

Cập nhật: 12/10/2017 Theo VnExpress
  • 1.951