Tìm hiểu loại virus Zika "ăn não người" đặc biệt nguy hiểm

  •  
  • 3.571

Nhiều trường hợp tử vong nghi do virus Zika gây hội chứng não nhỏ ở Brazil đã làm dấy lên lo lắng khi rất có thể virus này xuất hiện ở Việt Nam.

Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam tỏ ra lo ngại về khả năng xuất hiện loài virus ăn não người nguy hiểm ở trong nước - virus Zika.

Vậy chính xác loại virus này nguy hiểm như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem.

Virus gần tương tự với bệnh sốt xuất huyết

Virus Zika thuộc họ flavivirus - rất gần với các virus gây nên bệnh sốt xuất huyết.

Các loài flavivirus có cấu tạo gần như tương đồng.
Các loài flavivirus có cấu tạo gần như tương đồng. (Ảnh minh họa).

Bệnh do virus ZIKA được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng ZIKA của Uganda (một quốc gia tại châu Phi).

Cũng giống như sốt xuất huyết, bệnh được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi, hay cụ thể hơn là muỗi Aedes (muỗi lan truyền bệnh sốt xuất huyết). Chính vì vậy, qua thời gian căn bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Muỗi Aedes - vật chủ trung gian của virus Zika.
Muỗi Aedes - vật chủ trung gian của virus Zika.

Thực chất, virus này không được xếp vào dạng nguy hiểm với người trưởng thành. Người mắc bệnh cũng sẽ có những triệu chứng tương tự như khi mắc sốt xuất huyết: sốt, xuất huyết nội, đau mỏi cơ, đau mắt... nhưng với mức độ nhẹ hơn.

Đau mắt do virus Zika.
Đau mắt do virus Zika.

Tuy một số trường hợp có thể chuyển biến nặng do thể trạng yếu, nhưng thường thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong khoảng 4 ngày đến 1 tuần.

Một số triệu chứng khi bệnh nặng, có thể nhầm lẫn với các căn bệnh nguy hiểm hơn như sốt xuất huyết hoặc bệnh chikungunya.
Nhưng nếu vậy thì loại virus này nguy hiểm ở điểm gì, khi hầu như không có trường hợp nào tử vong vì nó?

Loài virus "ăn não" trẻ sơ sinh cực kỳ nguy hiểm

Câu chuyện này bắt nguồn khi Bộ Y tế Brazil thông báo trong năm 2015 có tới 2.782 trường hợp trẻ em sinh ra tại Brazil mắc "chứng não nhỏ" - một căn bệnh theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là không thể chữa được. Con số này trong năm 2014 chỉ là 147 trẻ.

Trẻ mắc phải hội chứng này não bộ sẽ không phát triển bình thường khi còn ở trong bụng mẹ. Kết quả, đứa trẻ ra đời với một cái đầu nhỏ bất thường.

Một đứa trẻ mắc phải hội chứng não nhỏ.
Một đứa trẻ mắc phải hội chứng não nhỏ.

Hầu hết những em bé kém may mắn như vậy đều không sống được lâu. Và dù có may mắn sống sót, sự phát triển của các em cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Nhưng như vậy thì sao? Vấn đề là ở chỗ các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của hội chứng này là vì virus Zika.

Theo như ghi nhận từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh Châu Âu (ECDC), có mối liên hệ rất rõ ràng từ việc thai phụ mắc phải Zika virus trong quá trình mang thai, đến việc con cái sinh ra mắc phải hội chứng nhỏ đầu.

Tại hầu hết các địa điểm dịch sốt Zika bùng phát (như Brazil gần đây) đều có sự gia tăng đột biến của hội chứng này.

Dù vậy hiện các chuyên gia cần nhiều thời gian hơn đánh giá chính xác được mối quan hệ này, vì còn có nhiều nguyên nhân khác gây nên hội chứng não nhỏ như nhiễm trùng, nhiễm độc tố trong quá trình mang thai, lỗi gene....

Hiện nay virus này đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay virus này đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng rõ ràng sự nguy hiểm tiềm ẩn của virus Zika là không thể phủ nhận, khi thậm chí chính phủ Brazil còn khuyên người dân không nên mang thai vào thời gian này, khi dịch bệnh đang bùng phát.

Còn tại Việt Nam, tuy chưa có ghi nhận trường hợp nào mắc phải virus Zika, nhưng chúng ta lại có vật chủ trung gian lây truyền căn bệnh này: muỗi Aedes.

Đồng thời hiện nay virus này đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế Bộ Y tế Việt Nam khuyên người dân nên "đi trước một bước" bằng cách diệt muỗi và các ổ bọ gậy xung quanh nhà để loại bỏ nguy cơ lan truyền dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước.
  • Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Trí Thức Trẻ
  • 3.571