Tìm hiểu phương pháp tính nhẩm siêu tốc của học sinh lớp 5 khiến người lớn bó tay

  •   2,314
  • 20.251

Điều đặc biệt của bài thi này đó là ngay cả người lớn cũng chưa kịp đọc xong đề bài thì các em đã đưa ra kết quả một cách vô cùng nhanh chóng.

Phương pháp tính nhẩm siêu tốc của học sinh lớp 5

Mới đây, một đoạn clip ngắn ghi lại một bài thi toán lớp tiểu học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc 2015 đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Điều đặc biệt của bài thi này đó là ngay cả người lớn cũng chưa kịp đọc xong đề bài thì các em đã đưa ra kết quả một cách vô cùng nhanh chóng.

Cụ thể đề bài là phép tính: "Tám trừ ba, trừ bốn, cộng hai, một một, trừ ba, cộng bốn, trừ sáu, cộng tám, trừ bốn, cộng hai, hai, trừ sáu, cộng bảy, bằng?" (8- 3- 4+ 2+ 1+ 1- 3+ 4- 6+ 8- 4+ 2+ 2 -6+7 =?). Và đáp án phải được đưa ra ngay sau khi đề bài kết thúc. Đáp án được ban giám khảo đưa ra là bằng 9.

Sau khi đề thi này được chia sẻ trên internet, một bạn trẻ cho biết "Mình chưa kịp nghe xong đề thì các em đã tính ra rồi". Nhiều bạn khác còn không nhớ nổi những con số vừa được đọc trong đề bài, chưa nói đến việc tính ra kết quả.

Vậy các em học sinh tiểu học làm thế nào để có thể tính nhẩm một cách siêu nhanh như vậy? Câu trả lời là phương pháp soroban của Nhật Bản, sử dụng hình ảnh chiếc bàn tính cổ tưởng tượng để tính nhẩm các phép tính một cách siêu tốc.

Soroban là gì?

Phương pháp tính nhẩm này dựa trên chiếc bàn tính cổ soroban, xuất xứ từ Trung Quốc và được nhập khẩu vào Nhật Bản từ những năm 1600. Nó trở thành công cụ tính toán rất phổ biến thời bấy giờ tại châu Á.

Tìm hiểu phương pháp tính nhẩm siêu tốc của học sinh lớp 5 khiến người lớn bó tay
Chiếc bàn tính cổ của người Nhật Bản.

Phương pháp tính nhẩm siêu tốc này sử dụng một bàn tính soroban tưởng tượng để có thể cộng trừ nhanh các con số. Phương pháp này được những người Nhật Bản nghĩ ra và coi đó như một cách rèn luyện trí não.

Thậm chí phương pháp tính nhẩm siêu tốc này còn phát triển đến mức có cả một giải đấu Soroban được tổ chức tại Nhật Bản với cấp độ cao nhất là Flash Anzan.

Trong cuộc thi này, 15 số sẽ xuất hiện trên màn hình trong tích tắc. Mỗi số nằm giữa 100 đến 999, các thí sinh sẽ phải cộng tất cả các số này để ra kết quả. Điều điên rồ nhất là 15 con số này xuất hiện chỉ trong có 1,85 giây và người nắm giữ kỷ lục thế giới đã đưa ra câu trả lời chỉ 1,7 giây sau khi những con số xuất hiện hết.

Nếu xem đoạn video trên, thậm chí bạn còn không thể nhớ nỗi những con số đã từng xuất hiện trên màn hình.

Phương pháp soroban cũng như vậy, không quan tâm đến những con số trong phép tính. Những người tham gia cuộc thi cũng cho biết họ không nhớ được những con số mà mình đã tính. Chỉ có kết quả cuối cùng là luôn chính xác.

Khoa học nói gì về Soroban?

Soroban là phương pháp giúp rèn luyện cả hai bán cầu não trái và bán cầu não phải. Vì sao lại như vậy?

Vì phương pháp này bao gồm hai phần: tưởng tượng hình ảnh bàn tính và thực hiện các phép tính. Trong khi đó, bán cầu não trái đảm nhiệm việc tính toán logic còn bán cầu não phải đảm nhiệm trí tưởng tượng không gian.

Tìm hiểu phương pháp tính nhẩm siêu tốc của học sinh lớp 5 khiến người lớn bó tay

Do đó, trong khi thực hiện phép tính nhẩm, ví dụ: Khi nghe thấy số 75 lập tức thông tin đó sẽ được truyền lên não trái và não trái lại truyền thông tin sang não phải. Tại đây, não phải sẽ hình dung và tưởng tượng ra sự di chuyển của các hạt bàn tính ở vị trí số 75 như hình vẽ. Như vậy, não trái chỉ ghi nhớ thông tin là con số 75, còn não phải lại hình dung và tưởng tượng ra một cách rõ nét về số 75 trên bàn tính.

Soroban trong xã hội hiện đại

Phương pháp tính nhẩm siêu tốc này được coi là một trong những phương pháp rèn luyện trí não cho trẻ từ 4-16 tuổi. Tuy nhiên theo TS Lê Thống Nhất - Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Toán, Phó Tổng Thư ký Hội giảng dạy Toán học phổ thông thì đây là một phương pháp phản giáo dục.

Vì những phương pháp rèn luyện trí não Super Brain giống như Soroban chỉ có tác dụng khi trí não trẻ đã phát triển đầy đủ. Việc rèn luyện quá sớm có thể gây ra những tổn thương nhất định do não trẻ bị quá tải.

Bên cạnh đó, học cách tính nhẩm không giúp tăng tư duy khi giải toán của trẻ. Vì chỉ đến khi tìm ra cách giải thì tính nhẩm mới phát huy tác dụng. Phương pháp giải toán mới là tư duy cần dạy cho trẻ.

Tìm hiểu phương pháp tính nhẩm siêu tốc của học sinh lớp 5 khiến người lớn bó tay
Các lớp học tính nhẩm siêu tốc như thế này đang ngày càng nở rộ.

Ngoài ra thì phương pháp này biến các em thành một cỗ máy tính toán hơn là phát triển tư duy. Vì tất cả những con số tính nhẩm được áp vào một công thức có sẵn, các em chỉ việc làm đi làm lại giống như nhau.

Do đó đối với những người chưa từng học qua phương pháp tính nhẩm siêu tốc thì Soroban giống như một điều kỳ lạ khiến cho cả người lớn cũng phải khâm phục.

Tuy nhiên đối với những cuộc thi tính nhẩm Soroban tại Nhật Bản thì đó đúng là một đẳng cấp khác mà không phải ai cũng làm được. Những cuộc thi này được chứng nhận trên thế giới và được ghi vào sách kỷ lục Guinness.

Theo genK
  • 2,314
  • 20.251