Chỉ với một chút thủ thuật nhỏ, bạn có thể khiến bạn bè của mình phải "mắt tròn mắt dẹt" vì kinh ngạc đấy.
Các đồng xu trên thế giới đều được làm từ kim loại. Mà đã là kim loại thì dĩ nhiên không thể nổi trên mặt nước, do kim loại có trọng lượng riêng lớn hơn nước nhiều lần. Và điều này thì chắc chắn là đúng!
Tuy nhiên, hãy xem qua hình ảnh sau, và bạn sẽ thấy điều gì đó "sai sai".
Tại sao đồng xu bằng kim loại lại có thể nổi trên mặt nước?
Đây là đồng xu thật làm bằng kim loại, và nước ở đây cũng là nước thật. Vậy thì tại sao đồng xu có thể nổi trên mặt nước? Bí ẩn gì ở đây cơ chứ...
Sự thật là chúng ta vẫn có mẹo để biến điều này thành hiện thực. Và thứ bạn cần chuẩn bị cho màn ảo thuật này là 1 bát nước đầy, cùng một vài đồng xu 1 yên của Nhật.
Tại sao lại là đồng 1 yên mà không phải loại tiền khác? Nguyên nhân là bởi đồng 1 yên của Nhật Bản được đúc hoàn toàn từ nhôm, không trộn lẫn kẽm hay đồng. Điều này khiến cho chúng có trọng lượng nhẹ hơn đáng kể so với những đồng xu khác. Ví dụ nếu so sánh thì đồng 1 yên nhẹ hơn khoảng 2,5 lần so với 1 cent của Mỹ.
Nhưng nếu chỉ đơn giản có thế thì khi bạn thả các đồng xu vào bát nước, chúng sẽ nhanh chóng chìm nghỉm xuống đáy.
Nếu là bình thường, khi bạn thả tiền xu vào chậu nước, đồng xu sẽ chìm xuống đáy.
Bí quyết ở đây là hãy sử dụng thêm kẹp giấy. Các bước thực hiện như sau:
Đầu tiên, bẻ ngược phần bên trong kẹp giấy lên để tạo thành hình chữ L.
Đặt cân bằng đồng 1 yên lên mặt to hơn của kẹp giấy, còn mặt nhỏ đóng vai trò tay cầm.
Tiếp theo, nhẹ nhàng dùng kẹp giấy nhúng đồng xu vào nước như thế này.
Cẩn thận kéo kẹp giấy ra, và điều thú vị xuất hiện!
Đồng xu nổi lơ lửng trên mặt nước.
Lực bí ẩn giữ cho đồng xu nổi và khiến mặt nước xung quanh bị lõm xuống có tên gọi là "sức căng bề mặt".
Sức căng được tạo thành do tương tác hút lẫn nhau của các phân tử nước ở vị trí trên cùng, khiến cho mặt nước như có một lớp màng mỏng bao phủ.
Lớp màng này vừa đủ độ bền nâng đỡ trọng lượng của đồng xu nhôm mà không để bị xuyên qua.
Lớp màng mỏng bao phủ nâng đỡ trọng lượng của đồng xu nhôm mà không để bị xuyên qua.
Bạn thậm chí có thể để nổi nhiều đồng xu cùng một lúc miễn là đủ chỗ, nhưng cần phải làm nhẹ nhàng vì sự cân bằng rất mỏng manh. Chỉ cần một áp lực hơi mạnh, lớp màng nước lập tức bị phá vỡ và các đồng xu lại chìm xuống.
Bạn thậm chí có thể để nổi nhiều đồng xu cùng một lúc miễn là đủ chỗ.
Với thủ thuật tương tự bạn có thể làm nổi các kẹp giấy, ghim giấy, kim khâu, và kim băng bằng sắt, cho dù trọng lượng riêng của sắt vốn nặng hơn nhôm gấp 3 lần.
Nếu mọi người xung quanh đã biết thủ thuật và muốn làm thử, mánh khóe tiếp theo sẽ khiến cho họ phải "vò đầu bứt tai" vì chẳng tài nào làm những vật dụng trên nổi được.
Hãy lén thêm một chút xà phòng vào bát nước lúc không ai để ý, phân tử xà phòng làm suy yếu lực hút giữa các phân tử nước, dẫn đến sức căng bề mặt biến mất. Điều đó có nghĩa không còn gì nâng đỡ được trọng lượng của đồng xu hay kẹp giấy nữa.
Đổ xà phòng vào sẽ khiến sức căng bề mặt biến mất, bạn sẽ không thể làm nổi bất cứ thứ gì.
Khi đó, bạn có thể tủm tỉm cười và nhìn mọi người dù cố gắng hay cẩn thận hết sức có thể, cũng không làm nổi trò ảo thuật bạn đã làm.