Các nhà nghiên cứu cho rằng những câu chuyện về hồn ma từ trước tới nay không phải là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của hiện tượng siêu nhiên này.
Nhiều tài liệu từ thời cổ đại đã mô tả về linh hồn trong các câu chuyện về trải nghiệm cận tử, cõi âm và giao tiếp với người chết, phản ánh niềm tin của con người vào hiện tượng siêu nhiên này. Dù rất phổ biến, khoa học đến nay chưa ghi nhận được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về sự tồn tại của hồn ma, theo Live Science.
Trong thế kỷ 19, phong trào "giao tiếp với linh hồn" rộ lên ở Anh và Mỹ, khi nhiều "nhà ngoại cảm" tuyên bố có thể trò chuyện với người chết. Tuy nhiên, các nhà ngoại cảm này sau đó đều bị vạch mặt khi các nhà điều tra theo chủ nghĩa hoài nghi như Harry Houdini vào cuộc.
Tuy vậy, niềm tin vào hồn ma vẫn không mất đi. Nhiều năm gần đây, từ thành công của series truyền hình thực tế "Ghost Hunters", phong trào săn ma dần trở nên phổ biến khắp thế giới. Chương trình kích thích người xem nhờ quan điểm bất cứ ai cũng có thể trở thành một thợ săn đích thực, thách thức hiểu biết nhân loại về thế giới bên kia mà không cần phải là một nhà khoa học uyên bác hay điều tra viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bước sang thập niên thứ hai kể từ khi lên sóng, chương trình vẫn không đưa ra bằng chứng thuyết phục nào về sự hiện diện của linh hồn.
Nhiều người tin rằng hồn ma là có thật. (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Một khó khăn trong nghiên cứu khoa học về linh hồn là một số lượng lớn các hiện tượng có liên quan, từ cánh cửa tự đóng, chìa khoá biến mất, các vùng lạnh bất thường trong hành lang hay câu chuyện về việc nhìn thấy người thân đã khuất.
Trong quá trình phỏng vấn để viết cuốn sách "Ghostly Encouters: The Hauntings of Everdyday Life" xuất bản năm 2016, Dennis và Michele Waskul nhận thấy "nhiều người tham gia không chắc chắn về trải nghiệm gặp ma, do không nhìn thấy các hình ảnh được cho là "truyền thống" của linh hồn". Thay vào đó, họ tin rằng bản thân trải nghiệm hiện tượng "lạ lùng, không thể giải thích và đầy bí ẩn". Vì vậy, các trải nghiệm này nhiều khả năng chỉ hội tụ các yếu tố khác thường chưa được lý giải.
Bằng chứng khoa học là một vấn đề phức tạp hơn. Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa đưa ra được định nghĩa thống nhất về "ma". Một số ý kiến cho rằng ma là linh hồn người chết đi lạc trên đường tới thế giới bên kia, số khác lại cho rằng ma là hiện tượng ngoại cảm được trí não con người đưa vào thế giới.
Bên cạnh đó, bản thân quan niệm về linh hồn cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, ma là vật chất hay phi vật chất? Các báo cáo về ma thường đề cập đến trường hợp ma có khả năng xuyên qua vật thể rắn, đồng thời cũng có thể đóng cửa và ném các vật thể trong phòng. Theo suy luận logic và các định luật vật lý cơ bản, chỉ một trong hai trường hợp được phép tồn tại.
Ngoài ra, nếu ma chỉ là linh hồn thoát tục của con người, vì sao ma lại "xuất hiện" trong bộ dạng như người với các trang phục và vật dụng khác như mũ, gậy hay roi? Hoặc vì sao lại có báo cáo về các con tàu hoặc xe hơi ma khắp thế giới?
Tranh cãi tiếp tục nảy sinh khi xét đến các vụ án mạng. Nhiều người cho rằng nếu ma có thật, vì sao linh hồn nạn nhân không giao tiếp với các nhà ngoại cảm để xác định kẻ sát nhân thay vì để lại hàng loạt các vụ án dang dở không lời giải.
"Thợ săn ma" thường sử dụng các công cụ đa dạng nhằm tìm kiếm linh hồn. Hầu hết thợ săn đều tự nhận cuộc truy tìm của mình mang tính khoa học cao thông qua việc sử dụng thiết bị công nghệ như bộ đếm Geiger, máy dò điện từ trường (EMF), bộ phát hiện ion, máy ảnh chụp hồng ngoại và micro siêu nhạy. Dù vậy, không thiết bị nào trong số này được chứng minh đã thực sự bắt được bằng chứng thuyết phục về ma.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định sự tồn tại của ma chưa được xác minh là do con người chưa phát triển được công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, ý kiến này cũng hàm chứa mâu thuẫn. Trong trường hợp ma thực sự xuất hiện trong thế giới vật chất và có thể được ghi lại bằng ảnh, phim hoặc ghi âm, sự tồn tại của ma chắc chắn sẽ được chứng minh một cách thuyết phục, song đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực. Ngược lại, nếu ma tồn tại nhưng không thể phát hiện và ghi lại một cách khoa học thì những bức ảnh, video hay ghi âm được cho là bằng chứng về ma từ trước tới nay lại trở nên giả dối.
Lâu đài Banffy ở Bontida, Romania, một điểm đến ưa thích của các "thợ săn ma". (Ảnh:Wikipedia).
Với nhiều lý thuyết đối lập và hầu như rất ít nội dung khoa học trong cuộc săn tìm ma, không khó hiểu khi tới nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào được ghi nhận. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ đã tạo ra hàng loạt các ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép người dùng tự tạo dựng và chia sẻ các hình ảnh kinh dị. Do đó, việc tách bạch giữa sự thật và hư cấu càng trở nên khó khăn cho các nhà nghiên cứu về linh hồn.
Theo các nhà khoa học, con người tiếp tục tin về linh hồn, ma quỷ một phần vì kinh nghiệm cá nhân, chẳng hạn được nuôi nấng trong gia đình mà quan niệm về linh hồn được công nhận hiển nhiên, hay ký ức rùng rợn về chuyến phiêu lưu trong các địa danh "ma ám".
Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ sự tồn tại của linh hồn còn viện dẫn Định luật bảo toàn năng lượng của Einstein, theo đó năng lượng không tự sinh ra hay mất đi mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, hay truyền từ vật này sang vật khác.
Theo giả thuyết này, sau khi một người chết đi, năng lượng cơ thể đi vào môi trường dưới dạng nhiệt lượng, còn xác thịt chuyển hóa thành năng lượng trong co thể động vật ăn thịt hoặc vi sinh vật. Điều này giải thích vì sao năng lượng của con người sau khi chết không được các dụng cụ săn ma phát hiện.
Hình ảnh được cho là "bóng ma" trong một chương trình truyền hình thực tế.
Nhà dân gian học Bill Ellis nói rằng thợ săn ma thường coi trọng cuộc tìm kiếm và đầu tư nhiều công sức để thách thức, đối đầu các thế lực siêu nhiên theo hình thức kịch tính hoá. Mục đích của những hành vi này không đơn thuần là giải trí, mà là nỗ lực chân thành để kiểm tra và định nghĩa lại biên giới hiểu biết của khoa học.
Do đó, nếu linh hồn có thực và tồn tại dưới trạng thái năng lượng chưa được biết đến, chúng chỉ có thể được phát hiện bằng các nghiên cứu chuyên sâu và thiết bị đặc biệt của giới khoa học, chứ không phải những chuyến lang thang hàng đêm của các thợ săn nghiệp dư trong những căn nhà bỏ hoang với đèn pin và máy quay.
Bất chấp rất nhiều hình ảnh, âm thanh và video, bằng chứng về linh hồn trong thế giới hiện đại không thuyết phục hơn các bằng chứng xuất hiện hàng trăm năm trước. Sự thất bại của các biệt đội săn ma có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân: hoặc linh hồn không tồn tại hoặc có thật nhưng các thợ săn chưa đủ khả năng tìm kiếm và cần sự tham gia nhiều hơn của giới khoa học.