Tìm lời giải cho hoạt động của Trung tâm Tin học Bộ/ngành

  •  
  • 136

Mỗi bộ, ngành đều có một trung tâm tin học, tuy nhiên thời gian qua, hoạt động của các trung tâm này gặp khó khăn từ mô hình hoạt động, chức năng nhiệm vụ cho tới kinh phí đầu tư, nhân lực… Thậm chí, đại diện của một trung tâm tin học như vậy đã phải dùng từ “thân phận trôi nổi” khi nói về hoạt động của trung tâm CNTT.

Với mục tiêu chung là thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong các Bộ, ngành, các chuyên gia CNTT của trên 20 Bộ, Ngành đã ngồi lại với nhau để cùng trao đổi kinh nghiệm ứng dụng CNTT, mô hình tổ chức, những khó khăn trong hoạt động CNTT của Bộ, ngành mình.

Ý kiến của các chuyên gia cho thấy, các trung tâm CNTT ở nhiều Bộ, ngành đang gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để có thể phát triển. Ở một số Bộ, mô hình hoạt động của trung tâm tin học còn đang bị chồng chéo, chưa được coi trọng, thậm chí đã có đại biểu đã phải dùng từ “thân phận trôi nổi” và hoạt động chưa thành công.

Ứng dụng CNTT trong công tác sát hạch thi lý thuyết lấy bằng lái xe ô tô (Ảnh: Lê Quang)

Ông Trịnh Đức Huy, quyền Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ NN&PTNT bức xúc: ”Trước đây, việc ứng dụng máy tính chỉ giới hạn trong phạm vi kỹ thuật do các chuyên gia kỹ thuật có lòng say mê với máy tính và công nghệ tính toán. Khi việc áp dụng CNTT phát triển ở mức độ cao, mô hình trung tâm Tin học, trung tâm CNTT hoặc trung tâm thông tin không thực hiện được việc quản lý phát triển ứng dụng CNTT trong mỗi bộ/ngành bởi bản chất các trung tâm này là những đơn vị dịch vụ. Bộ NN&PTNT cũng như một số Bộ/ngành khác thường giao chức năng quản lý việc phát triển CNTT trong Bộ/ngành mình cho một cơ quan chức năng tham mưu như Vụ KHCN, Vụ Kế hoạch,… Tuy nhiên, ở những đơn vị này thường không có các chuyên gia am hiểu về CNTT nên đã gây chậm trễ cho công tác đẩy mạng ứng dụng CNTT. Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do việc thiếu các chính sách, văn bản pháp luật chi tiết hướng dẫn, như các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, mã hoá thống nhất, định mức,….”

Cũng theo ông Huy, trong những năm tới, việc phát triển ứng dụng CNTT ở Bộ tập trung vào việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử trong ngành, xây dựng hệ thống thông tin hai chiều giữa các cơ quan nhà nước với DN, nông dân để nắm bắt được nhu cầu thông tin và cung cấp cho họ những thông tin, tri thức cần thiết giúp học phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống.

Đại diện đến từ Trung tâm Tin học Bộ Thuỷ sản cũng không kém phần bức xúc khi nói đến mô hình hoạt động hiện nay của trung tâm này. Theo vị đại điện này, trong những năm qua, việc ứng dụng và phát triển CNTT tại Bộ đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thuỷ sản. Tuy nhiên, hoạt động CNTT tại Bộ vẫn còn những “vấn đề”. Chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Tin học và Bộ phận tin học thuộc Văn phòng Bộ còn chồng chéo, vai trò của hai đơn vị này không được xác định rõ ràng, thiếu thống nhất. Do đó, trung tâm tin học gặp khó khăn trong việc đẩy mạng ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực về CNTT còn hạn chế, bị phân tán ở nhiều nơi, thiếu khả năng phối hợp hành động. Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn thấp so với yêu cầu đặt ra.

Cũng theo vị đại diện này, Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần có hướng dẫn và hỗ trợ tích cực để Bộ Thuỷ sản xác định rõ tổ chức và hoạt động CNTT phục vụ quá trình phát triển của Ngành. Chính phủ sớm ban hành các hệ thống định mức CNTT để thống nhất trong triển khai, xây dựng dự án, chương trình phát triển CNTT.

Là một đơn vị đã có đóng góp rất nhiều vào quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GDĐT Quách Tuấn Ngọc cũng đưa ra nhiều ý kiến đồng cảm với các đồng nghiệp. Ở Bộ nơi ông làm việc cũng có sự chống chéo như ở Bộ Thuỷ sản, nhiều dự án CNTT có tiền đầu tư nước ngoài, sau khi thực hiện xong, chuyên gia rút, thì dự án cũng “toi” vì không có ai tiếp quản. Một chuyên gia CNTT Việt Nam ở Bộ có thể làm việc bằng 3 chuyên gia nước ngoài, thuê với mức lương đến 15.000 USD/tháng.

Cũng theo ông Ngọc, ở Bộ GDĐT từ 1/12/2006, Bộ trưởng sẽ làm trưởng Ban chỉ đạo CNTT. Đề án thành lập Cục Tin học cũng đã bắt đầu thực hiện. Chúng ta lên để lĩnh vực thống kê vào với tin học là hợp lý nhất (Cục Tin học và Thống kê). Thậm chí có thể đưa vào đây cả phần thông tin KHCN, như vậy tập trung thành đầu mối, gọn hơn.

Để tăng cường liên kết giữa các trung tâm CNTT Bộ/ngành, ông Ngọc nêu ý kiến các đơn vị cần có sự trao đổi kinh nghiệm, chuyển đổi công nghệ với để cùng phát triển. Bộ GDĐT sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ đã cad đang ứng dụng. Chúng ta phải đưa vào lĩnh vực giáo dục một số phần mềm, mà ở đó không có thể độc quyền.

Theo ông Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Xây dựng, ở Bộ XD việc đầu tư cho CNTT chưa đồng bộ. Tỷ lệ đầu tư cho phần cứng và phần mềm chưa hợp lý. Kinh phí cho Đề án 112 chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật tin học chưa có kinh phí triển khai các ứng dụng tin học khác. Chưa có quy định về năng lực của các cơ quan tư vấn, chuyên gia tư vấn về CNTT. Không có đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về CNTT tại các Bộ/ngành,… 

Lê Quang

Theo VnMedia
  • 136