Các nhà khoa học đang cùng chung tay nghiên cứu để tạo ra một chất kháng nọc độc từ mọi loại rắn độc chết người ở tiểu khu vực Sahara châu Phi.
>>> Bị rắn độc cắn, sơ cấp cứu thế nào?
Theo những tin tức mới nhất trên Independent (Anh), các nhà nghiên cứu của Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (LSTM) đang sử dụng một kỹ thuật mới có tên gọi "antivenomics" (tạm dịch Chất kháng nọc độc) để tăng khả năng rút nọc độc từ loài rắn trong quá trình chế tạo huyết thanh.
Các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra thuốc chữa rắn độc cắn chung cho mọi trường hợp.
Chất kháng nọc độc được tạo ra từ nọc độc lấy từ rắn, nhện hoặc côn trùng tương ứng. Độc được làm loãng và tiêm vào ngựa, cừu hoặc dê. Vật chủ sẽ trải qua quá trình phản ứng miễn dịch với độc, sinh ra kháng thể chống lại chất độc. Những kháng thể này có thể được lấy từ máu của vật chủ và dùng để trị thương do nọc độc.
Trên thực tế, các phương pháp tạo ra chất kháng nọc độc truyền thống có tỷ lệ thành công thấp hơn nhiều bởi sự suy giảm của lượng và mức nọc lấy được.
Phát biểu về công trình khoa học nói trên trên báo chí, người đứng đầu nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Robert Harrison cho biết: “Có hơn 20 loài rắn độc chết người sinh sống ở tiểu khu vực Sahara châu Phi và các bác sĩ thường phải dựa vào những mô tả, đôi khi khá sơ sài hoặc thậm chí là nhầm lẫn của nạn nhân để xác định loài rắn đã tấn công họ, từ đó quyết định sử dụng loại huyết thanh hay chất kháng nọc độc nào để cứu chữa người bệnh".
Thuốc chữa rắn độc cắn (huyết thanh đặc hiệu) thường khá đắt đỏ.
Vì lý do thiếu thông tin như vậy, thông thường các bác sĩ sẽ cho nạn nhân bị rắn cắn chất kháng nọc chung cho nhiều loại nọc độc, hoặc nhiều loại huyết thanh đặc hiệu khác nhau – chất kháng nọc có thể giúp sinh ra kháng thể chống lại chất độc của gần như mọi loài rắn.
Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốn kém mà những người nông dân nghèo khổ ở vùng châu Phi không có khả năng chi trả dù chính họ mới là nạn nhân thường xuyên của hàng chục loài rắn độc chết người sinh sống ở khu vực này.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại huyết thanh đặc hiệu cho một vết rắn cắn (vì không xác định được loại rắn độc đã tấn công nạn nhân) còn làm tăng nguy cơ khiến người bệnh phải chịu những tác dụng phụ khủng khiếp.
Hàng nghìn người chết vì không đủ tiền mua thuốc chữa rắn độc cắn ở châu Phi mỗi năm.
Hiện nay, do tùy thuộc vào phương pháp rút nọc mà chỉ có một lượng nọc rất nhỏ từ các loài rắn độc khác nhau được chiết xuất ra, dẫn đến lượng chất kháng nọc sẵn có bị giới hạn – điều mà nhóm nghiên cứu LSTM nuôi hi vọng sẽ có thể thay đổi và mang lại loại huyết thanh kháng nọc độc của mọi loại rắn cho những người dân nghèo châu Phi.
Đây được coi là bước đột phá có thể cứu sống hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm. Được biết, chỉ tính riêng ở tiểu khu vực Sahara châu Phi, mỗi năm có 32.000 người chết vì bị rắn độc cắn và hơn 96.000 người bị tàn tật do buộc phải chặt tay, chân vì trúng nọc rắn.