Theo điều tra toàn cầu của đại học Yale (Mỹ), kể từ khi nền văn minh con người bắt đầu, số lượng cây cối trên Trái Đất đã giảm đi một nửa.
Nghiên cứu này được công bố hôm nay trên tạp chí Nature, được coi là thống kê chính xác nhất về số lượng cây trên Trái Đất cho đến nay. Theo đó, trên toàn hành tinh hiện có 3,04 nghìn tỷ cây xanh, trung bình khoảng 422 cây cho một người. Các nhà khoa học đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh, các số liệu thống kê về rừng và công nghệ siêu máy tính để đưa ra con số này.
Theo Live Science, kết quả này đưa ra con số cây xanh cao hơn 7,5 lần các lần thống kê trước đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết kể từ khi nền văn minh con người bắt đầu, số lượng cây xanh đã sụt giảm khoảng 46%. Đây là số liệu có được sau khi sử dụng số liệu về bản đồ độ che phủ của rừng trong quá khứ và hiện tại, do Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cung cấp. Trước đây người ta ước tính có khoảng 400 tỷ cây trên Trái Đất, nhưng số liệu này được cho là không chính xác vì không bao gồm các loài cây từ những khu dự trữ rừng trên mặt đất, các nhà nghiên cứu cho biết.
"Cây xanh là giống loài có vai trò nổi bật và quan trọng nhất đối với Trái Đất, nhưng chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được mức độ phát triển và phân bố trên toàn cầu của nó", Thomas Crowther, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Lâm nghiệp và nghiên cứu Môi trường Yale - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết.
Bản đồ phân bố cây xanh trên Trái Đất. (Ảnh: Crowther).
Điều tra về số lượng cây sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự phân bố của các loài thực vật trên toàn thế giới, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cơ chế cây xanh định hình môi trường sống của chúng. Ngoài ra, thống kê này còn giúp làm sáng tỏ vai trò của cây xanh trong chu trình carbon toàn cầu.
Rừng hấp thụ và lưu trữ CO2 từ khí quyển trong quá trình quang hợp và giải phóng oxy như một sản phẩm phụ. Vì thế cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của khí nhà kính trong khí quyển.
"Chúng lưu trữ một lượng lớn carbon, có vai trò thiết yếu đối với các chu trình dinh dưỡng, chất lượng nước và không khí, cũng như mang lại vô số lợi ích đối với con người", Crowther nói.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những vùng có mật độ cây xanh cao nhất thế giới là các vùng cận Bắc Cực của Nga, Scandinavia và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, diện tích rừng lớn nhất lại nằm trong vùng nhiệt đới, chiếm khoảng 43% tổng lượng cây xanh toàn thế giới. Hoạt động chặt phá rừng của con người, thay đổi mục đích sử dụng đất và công tác quản lý rừng là nguyên nhân làm mất đi khoảng 15 tỷ cây xanh mỗi năm.
"Chúng ta đã mất đi một nửa số cây xanh trên hành tinh này, hậu quả là biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người", Crowther nói. "Nghiên cứu này chỉ ra các nỗ lực cần phải thực hiện ngay nếu muốn khôi phục lại các khu rừng tươi tốt trên thế giới".
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ chỉ ra, nước giàu nên chi tiền để ngăn chặn phá rừng nhiệt đới. Điều này hiệu quả hơn so với bỏ tiền cho những chương trình cắt giảm khí thải.