Tìm ra vật thể bí ẩn đã "đè bẹp" sao Hỏa

  •  
  • 520

Sao Hỏa không phải là một quả cầu đẹp mắt mà trông như bị đè bẹp, bóp méo nhiều lần. Các nhà khoa học vừa tìm ra thủ phạm bất ngờ.

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Michael Efroimsky từ Đài Quan sát Hải quân Mỹ vừa đưa ra lời giải thích thú vị về hình dạng khác thường của sao Hỏa ngày nay: Sự tác động của "Mặt trăng thứ 3" bí ẩn tên Neiro.

 Sao Hỏa từng có một Mặt trăng lớn mang tên Neiro
Sao Hỏa từng có một Mặt trăng lớn mang tên Neiro - (Ảnh minh họa AI: ANH THƯ)

Các hành tinh vốn không thực sự tròn. Trong đó, sao Hỏa là bất thường nhất trong hệ Mặt Trời, với mặt cắt trông như 3 hình ê-lip chồng lấn lên nhau.

Nó cũng sở hữu 2 Mặt trăng kỳ quặc không kém tên Phobos và Deimos, trông khá giống những củ khoai tây.

Neiro - mang tên một nữ thần chiến tranh, bạn đồng hành của thần Mars trong thần thoại La Mã - là một thiên thể có kích thước bằng khoảng 1/3 vệ tinh tên Mặt trăng của Trái đất.

Theo tính toán và mô hình của TS Efroimsky, lực hấp dẫn của khối lượng giả thuyết Mặt trăng này vẫn đủ để kéo, làm bóp méo sao Hỏa trước khi hình dạng của nó trở nên cố định.

Vì vậy, Mặt trăng này phải tồn tại trong giai đoạn sơ khai của hành tinh, khi sao Hỏa còn ngập đầy các đại dương magma cổ đại, cũng giống như Trái đất non trẻ.

Lúc đó, sao Hỏa giống một cục đất sét dẻo, được Neiro liên tục làm biến đổi hình dạng. Một cách thiếu may mắn, hành tinh này đã nguội đi, cứng lại vào thời điểm hình dạng trở nên kỳ quặc nhất.

Vào khoảng 4 tỉ năm trước, một giai đoạn va chạm thiên thể liên tục, khắc nghiệt đã xảy ra trong hệ Mặt Trời trẻ tuổi và nhiều khả năng đã làm Neiro vỡ tan.

Nhưng Mặt trăng này không thật sự biến mất.

Tuy gọi là "Mặt trăng thứ 3" vì được biết đến sau Phobos và Deimos, nhưng Neiro lại có thể là thiên thể mẹ của Phobos và Deimos.

Nói cách khác, 2 vệ tinh ngày nay của sao Hỏa có thể là 2 mảnh nhỏ từ vệ tinh giả thuyết đã tan vỡ này. Điều này cũng là lời giải thích hợp lý cho hình dạng méo mó của Phobos và Deimos.

Tất nhiên, cũng có thể cặp vệ tinh ngày nay của sao Hỏa có nguồn gốc khác, còn Neiro đã trôi ra khỏi quỹ đạo hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Cập nhật: 21/09/2024 NLĐ
  • 520