Tìm thấy hóa thạch 150 triệu năm của loài "rồng biển" mới

  •  
  • 279

Các nhà nghiên cứu nhận dạng hóa thạch bò sát biển nhỏ bí ẩn có niên đại 150 triệu năm là một loài mới có thể lặn rất sâu.

Mẫu vật nguyên vẹn này được phát hiện trong lớp trầm tích ở dọc vùng ven biển eo biển Manche tại Dorset, Anh. Theo nhà cổ sinh vật học Megan L. Jacobs, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Baylor, đồng tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Plos One, loài bò sát sống dưới nước thuộc họ Thằn lằn cá hay còn gọi là Ngư long, bao gồm những động vật ăn thịt ở biển có cơ thể thuôn dài sống cuối kỷ Jura.

Thalassodraco etchesi
Hóa thạch còn nguyên vẹn của Thalassodraco etchesi. (Ảnh: Etches Collection).

"Con ngư long này có một số đặc điểm độc đáo đủ để xem như một loài riêng", Jacobs cho biết. "Ngư long cuối kỷ Jura ở Vương quốc Anh vô cùng hiếm gặp. Chúng tôi biết đây là loài mới gần như ngay lập tức, nhưng mất khoảng một năm để so sánh kỹ lưỡng với tất cả ngư long cuối kỷ Jura khác nhằm kết luận chắc chắn".

Mẫu vật dài ước tính khoảng 2m, được phát hiện năm 2009 bởi nhà sưu tập hóa thạch Steve Etches MBE sau khi một vách đá ven biển sụp đổ. Steves tìm thấy hóa thạch chôn vùi ở độ sâu 100 m trong tầng đá vôi dưới đáy biển. Từ sau đó, mẫu vật nằm ở Bảo tàng đời sống động vật biển kỷ Jura Etches Collection ở Kimmeridge, Dorset. Jacobs đặt tên cho nó là Thalassodraco etchesi, có nghĩa là "rồng biển Etches" theo tên Etches.

Theo Jacobs, T. etchesi có thể là loài lặn sâu, tương tự cá nhà táng. Khung xương sườn của nó cực sâu, cho phép lá phổi phát triển lớn hơn, giúp nhịn thở trong thời gian dài và cơ quan nội tạng không bị đè ép bởi áp suất. Nó cũng có đôi mắt đặc biệt to nên có thể nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng kém. Điều đó có nghĩa nó chuyên lặn sâu xuống vùng biển không có ánh sáng hoặc hoạt động vào ban đêm.

Hàng trăm chiếc răng nhỏ xíu của mẫu vật rất phù hợp để ăn mực và cá nhỏ. Bề mặt răng hoàn toàn trơn nhẵn, trái ngược với kiểu răng lớn có nhiều gờ nhô ra như ở mọi loài ngư long khác. T. etchesi có họ gần với Nannopterygius, một loài ngư long sống ở cuối kỷ Jura ở các vùng biển châu Âu, Nga và Bắc Cực cách đây 248 triệu năm trước khi tuyệt chủng khoảng 90 triệu năm trước. Jacobs suy đoán mẫu vật nhiều khả năng chết do tuổi già hoặc bị động vật ăn thịt tấn công, sau đó chìm xuống đáy biển.

Cập nhật: 14/12/2020 Theo VnExpress
  • 279