Nhà chức trách cho hay đội tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air, thiết bị có thể cung cấp các bằng chứng quan trọng để giải thích nguyên nhân tai nạn.
Theo Bloomberg dẫn lại truyền hình Kompas của Indonesia, nhà chức trách cho hay đội tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen của chiếc Boeing 737 MAX 8, bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân máy bay rơi hôm 29/10.
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia xác nhận đã tìm thấy hộp đen.
Trong khi đó, một thợ lặn tên Hendra nói với Metro TV rằng họ đã "đào xới và lấy được hộp đen" giữa những mảnh vỡ nằm trên lớp bùn ở đáy biển.
"Chúng tôi lần theo thiết bị, và thu hẹp phạm vi (tìm kiếm), rồi chúng tôi đào xới một lần nữa tại nơi thiết bị bắt được âm thanh cảm ứng (tiếng "ping") và cuối cùng đã tìm thấy hộp đen", anh Hendra nói. "Ping" là âm thanh phát ra từ hộp đen máy bay nhưng con người không thể nghe thấy.
Anh cho biết chiếc hộp có màu cam và còn nguyên vẹn, song không nói rõ đây là thiết bị ghi âm buồng lái hay thiết bị lưu trữ dữ liệu chuyến bay. Hộp đen thường được sơn màu cam.
Thợ lặn tìm kiếm thân máy bay và hộp đen dưới biển Java. (Ảnh: Reuters).
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy hai thợ lặn bơi đến một thuyền hỗ trợ và đặt thiết bị màu cam vào trong một chậu nhựa, sau đó đưa những thứ này lên thuyền.
Các chuyên gia hàng không cho hay thông tin từ hộp đen góp phần giải thích nguyên nhân của 90% các vụ rơi máy bay, theo AFP.
Mỗi máy bay thường có 2 hộp đen, mỗi thiết bị nặng từ 7 đến 10 kg và có thể tồn tại ở độ sâu đến 6.000m dưới nước cũng như trong vòng một giờ ở nhiệt độ 1.100 độ C. Để giúp chúng dễ dàng được tìm thấy hơn, hộp đen được trang bị đèn hiệu có thể phát tín hiệu trong vòng một tháng.
Một trong 2 hộp đen của máy bay Lion Air được tìm thấy hôm 1/11 và đưa lên bờ. (Ảnh chụp màn hình/Kompas TV).
Trước đó, Indonesia đã triển khai các thiết bị "định vị tiếng ping" để dò tìm hộp đen. Việc tìm thấy hộp đen, thiết bị giám sát hệ thống cơ học và điện tử trên máy bay cũng như lưu lại những phát ngôn của phi công, là bước đầu tiên để giải mã bí ẩn vì sao một máy bay gần như hoàn toàn mới lại gặp tai nạn thảm khốc như vậy.
Ngày 31/10, quân đội Indonesia cho biết đã xác định được vị trí chiếc máy bay của Lion Air rơi và chìm xuống biển cách đây 2 ngày. Đội cứu hộ cũng vớt được mảnh vỡ lớn ở độ sâu 32m.
Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng gấp đôi, bao trùm vùng biển có bán kính 10 hải lý tính từ tâm là địa điểm nơi máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu. Việc tìm kiếm sáng 1/11 tập trung vào khu thứ tư trong tổng số 13 khu thuộc phạm vi tìm kiếm, nơi được cho là có thân máy bay, theo Straits Times.
Thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay của Lion Air. (Ảnh: AP).
"Chúng tôi rất tin tưởng rằng chúng tôi đã đã tìm thấy một phần thân chiếc máy bay JT610", Reuters dẫn lời Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto nói trên kênh truyền hình TVOne hôm 31/10, đề cập đến số hiệu chuyến bay được vận hành bởi Lion Air, hãng hàng không giá rẻ của Indonesia.
Chiếc máy bay của Lion Air mất tích khỏi radar chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta sáng sớm 29/10. Máy bay rơi xuống biển Java, cách bờ khoảng 15km. Toàn bộ 189 người trên máy bay được cho đã thiệt mạng.