Tìm thấy lịch cổ nhất thế giới, đánh dấu vụ va chạm thảm khốc của sao chổi

  •  
  • 141

Một nghiên cứu mới cho thấy những hình chạm khắc trên một cột đá lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây gần 13.000 năm có thể là lịch Mặt trời và Mặt trăng lâu đời nhất thế giới. Và lịch này có thể được chạm khắc để đánh dấu một vụ va chạm thảm khốc của sao chổi.

Những tác phẩm chạm khắc 13.000 năm tuổi được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi các diễn biến của Mặt trời, Mặt trăng và các chòm sao, khiến nó trở thành loại lịch âm dương sớm nhất được biết đến.

Mỗi hình chạm khắc hình chữ V tượng trưng cho một ngày
Mỗi hình chạm khắc hình chữ V tượng trưng cho một ngày, trong khi hình con chim tượng trưng cho ngày hạ chí. (Ảnh: Martin Sweatman)

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Time and Mind, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dấu vết này tại Göbekli Tepe, một di chỉ khảo cổ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng với nhiều ngôi đền có hình vẽ khắc tinh xảo .

Cột trụ mới được nghiên cứu này chứa 365 ký hiệu hình chữ V. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi chữ "V" tượng trưng cho một ngày, với toàn bộ lịch bao gồm "12 tháng âm lịch cộng thêm 11 ngày nữa".

Ngoài các biểu tượng "V", các nhà nghiên cứu đã phân tích một bức chạm khắc về "con thú giống chim" có hình chữ V tương tự được khắc quanh cổ. Theo tuyên bố, bức vẽ này có thể đại diện cho "chòm sao hạ chí vào thời điểm nó được khắc".

Các bản vẽ, có khả năng được thực hiện vào khoảng năm 10.850 trước Công nguyên, là một cách để ghi lại một vụ va chạm sao chổi diễn ra trong thời gian đó. Chúng cho thấy rằng những cư dân đầu tiên này có thể ghi lại các quan sát của họ về Mặt trời, Mặt trăng và các chòm sao dưới dạng lịch Mặt trời.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tác động của vụ va chạm sao chổi, có thể đã gây ra kỷ băng hà, đủ để gây ra sự thay đổi văn hóa tại Göbekli Tepe và thậm chí có thể dẫn đến sự hình thành của một giáo phái hoặc tôn giáo mới.

"Có vẻ như cư dân của Göbekli Tepe là những người quan sát bầu trời rất giỏi, điều này cũng dễ hiểu vì thế giới của họ đã bị tàn phá bởi một vụ va chạm sao chổi", tác giả nghiên cứu Martin Sweatman, một kỹ sư tại Đại học Edinburgh, Anh cho biết. "Sự kiện này có thể đã thúc đẩy nền văn minh bằng cách khởi xướng một tôn giáo mới và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp để ứng phó với khí hậu lạnh giá. Có thể, những nỗ lực của họ nhằm ghi lại những gì họ nhìn thấy là những bước đầu tiên hướng tới sự phát triển của chữ viết hàng thiên niên kỷ sau đó".

Những hình vẽ này tương tự với những hình vẽ được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ khác ở vùng Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cập nhật: 12/08/2024 Tiền Phong
  • 141