Hai thế kỷ sau khi nhân dân Pháp xử trảm Vua Louis XVI và chấm những chiếc khăn tay của họ vào máu ông để làm "chiến tích" cách mạng, các nhà khoa học tin rằng họ đã có được một trong những mẫu vật chứa máu của đức vua.
Các nhà khoa học trong nhiều năm đã tìm cách xác nhận một quả bầu khô được cho là có chứa máu của vị vua Pháp bị xử tử bằng máy chém ở Paris trong ngày 21/1/1793. Quả bầu đã khô, rỗng ruột, có một số bức chân dung các anh hùng cách mạng ở phần vỏ ngoài kèm dòng chữ: "Vào ngày 21/1, Maximilien Bourdaloue đã nhúng chiếc khăn tay của ông vào máu Louis XVI sau khi ông ta bị xử trảm".
Bourdaloue được cho là đã đặt chiếc khăn vào trong quả bầu và cho người trang trí quả bầu.
Theo một đội nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia tới từ Pháp và Tây Ban Nha, với kết quả vừa được đăng trên tuần báo Forensic Science International (Khoa học Pháp y Quốc tế), kỷ vật này sau đó đã rơi vào tay một gia đình Italy trong hơn 1 thập kỷ.
Hai năm trước, các phân tích DNA lấy từ mẫu máu có trong quả bầu cho thấy nó trùng khớp với một số mô tả của người ta về Louis, gồm đôi mắt màu xanh dương. Nhưng do không có mẫu DNA của họ hàng của đức vua để so sánh nên người ta không chứng minh được nó thuộc về ông. Nhưng điều này nay đã thay đổi.
Vua Louis XVI
Sử dụng vật liệu di truyền, nhóm nghiên cứu mới đã tạo ra mối liên hệ từ máu trong quả bầu với một hiện vật khác kinh khủng không kém, đó là một chiếc thủ cấp đã được ướp, thuộc về một tiền nhân của Louis trong thế kỷ 16 là vua Henry IV.
Thông qua hoạt động so sánh, người ta đã xác thực được cả hai mẫu vật, do chúng cùng có một dấu hiệu gene hiếm mà hai người đàn ông này chia sẻ, dù họ cách nhau tới 7 thế hệ.
Cuộc cách mạng trong đó Louis và Hoàng hậu Pháp Marie-Antoinette bị xử chém trước công chúng, còn chứng kiến việc một thánh đường hoàng gia ở Saint-Denis, phía Bắc Paris bị cướp phá. Công chúng đã quật xác các ông hoàng như Henry và tiến hành băm vằm thi thể của họ. Một người Pháp đã cứu lấy được cái đầu vua Henry khỏi tình cảnh hỗn loạn khi đó.
Cái đầu của Vua Henry, người bị ám sát vào năm 1610 ở tuổi 57, đã rơi vào tay nhiều người trong vòng 2 thế kỷ. Nó được mua bán tại các cuộc đấu giá, hoặc giữ lại trong các bộ sưu tập thư nhân bí mật.
Hồi năm 2010, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng rằng cái đầu đúng là của Henry, sử dụng các đặc điểm nhận dạng phù hợp với các bức chân dung vẽ đức vua trong thế kỷ 16, bên cạnh việc xác định niên đại carbon, quét hình 3 chiều và tia X.
Tuy nhiên nghiên cứu hồi năm 2010 lại không có dấu vết DNA và kết quả nghiên cứu của nó bị một số người phản ứng.
Theo Carles Lalueza Fox, đồng tác giả nghiên cứu mới và là chuyên gia tại viện nghiên cứu Institut de Biologia Evolutiva ở Barcelona, các chứng cứ mà nhóm thu thập được giống như việc "tăng thêm 250 lần khả năng chủ nhân của cái đầu người và chủ nhân có máu trong quả bầu khô có quan hệ về huyết thống".
Ông nói thêm rằng tổng hợp lại các chứng cứ pháp y, dữ liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian, sẽ "vô cùng ngạc nhiên" nếu các hiện vật này không thuộc về 2 ông hoàng đã bị người ta giết chết.
Dữ liệu thu được từ Louis XVI giờ đây có thể được sử dụng để giải mã bộ gene của ông hoàng cuối cùng của nước Pháp và giúp tìm ra các họ hàng đang còn sống của ông.