Tìm thấy những ngôi sao "ma" lang thang khắp nơi hàng tỉ năm

  •  
  • 1.216

Kính viễn vọng Hubble phát hiện nhiều ngôi sao "ma" trong các thiên hà khổng lồ. Chúng lang thang như những linh hồn lạc lối, với ánh sáng mờ ảo ma quái.

Những ngôi sao này không bị lực hấp dẫn ràng buộc với bất kỳ một thiên hà nào, theo trang Scitech Daily.

Một cuộc khảo sát hồng ngoại gần đây của kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy những ngôi sao này đã lang thang trong hàng tỉ năm.

Chúng lạc vào không gian giữa các thiên hà từ bao giờ? Nguồn gốc thực sự của những ngôi sao mồ côi này vẫn là một bí ẩn.

Có rất nhiều ngôi sao cô đơn lang thang trong các cụm thiên hà khổng lồ
Có rất nhiều ngôi sao cô đơn lang thang trong các cụm thiên hà khổng lồ - (Ảnh: SCITECH DAILY).

Nhờ có kính viễn vọng Hubble, giờ đây các nhà thiên văn học đã biết về các họ sao lang thang. Thậm chí không có một thiên hà nào khả dĩ để những ngôi sao gọi là "nhà".

Ánh sáng phân tán và mờ từ những ngôi sao cô đơn tạo thành ánh sáng nền nhờ nhờ ma quái bên trong cụm thiên hà.

Manh mối về những ngôi sao cô đơn phát hiện đầu tiên vào năm 1951. Trên thực tế, hiện nay Hubble có thể dễ dàng phát hiện ra ánh sáng của các ngôi sao này. Nó chỉ bằng 1/10.000 ánh sáng của bầu trời đêm khi nhìn từ các kính viễn vọng trên mặt đất.

Hiểu được nguồn gốc của ánh sáng bên trong cụm thiên hà có thể mang đến cho các nhà thiên văn học những hiểu biết mới về lịch sử của cụm thiên hà.

Câu hỏi dai dẳng đối với các nhà thiên văn học: Làm thế nào các ngôi sao lại nằm rải rác khắp cụm thiên hà ngay từ đầu?

Một số nhà khoa học cho rằng có khả năng các ngôi sao bị tách ra khỏi cụm thiên hà, hoặc chúng bị ném ra xung quanh sau khi các thiên hà sáp nhập. Số khác lại cho rằng chúng có mặt sớm trong những năm hình thành cụm thiên hà từ nhiều tỉ năm trước.

Giáo sư James Jee của Đại học Yonsei ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, cho biết: "Những ngôi sao này đã vô gia cư trong giai đoạn đầu hình thành cụm sao. Chúng tôi không biết chính xác điều gì đã khiến chúng trở thành sao vô gia cư. Nhưng bằng cách nào đó chúng được tạo ra với số lượng lớn trong vũ trụ sơ khai".

"Nếu tìm ra nguồn gốc của các ngôi sao này, chúng ta sẽ hiểu được lịch sử của toàn bộ cụm thiên hà. Đồng thời, chúng có thể đóng vai trò là dấu vết vật chất tối bao quanh cụm thiên hà đó", giáo sư Hyungjin Joo của Đại học Yonsei thêm.

Vật chất tối là giàn giáo vô hình của vũ trụ, gắn kết các thiên hà và các cụm thiên hà lại với nhau.

Các nhà khoa học hy vọng khả năng và độ nhạy hồng ngoại của kính viễn vọng không gian James Webb của NASA sẽ mở rộng đáng kể việc tìm kiếm các ngôi sao sâu bên trong cụm thiên hà, và do đó sẽ giúp khám phá nhiều bí ẩn.

Cập nhật: 14/01/2023 Tuổi Trẻ
  • 1.216