Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng thuyết phục đầu tiên về việc người da đỏ sử dụng chất gây ảo giác từ cây cà độc ở hang động Pinwheel tại Nam California.
Hang động Pinwheel là nơi có hình vẽ chong chóng, được cho là mô tả hình dáng đặc trưng của cây cà độc (Datura wrightii). Loài cây mọc quanh năm này là thực vật bản xứ ở California, chứa nhiều hợp chất có thể tác động đến trí tuệ, hành vi. Những viên thuốc nhai làm từ lá và sợi cây được nhét vào các khe hốc ở trần hang động. Phân tích hóa học một số viên thuốc cho thấy chúng chứa hợp chất alkaloids gây ảo giác. Kết quả phân tích 3D viên thuốc hé lộ chúng được giã dập để nhai, có niên đại từ năm 1530 đến 1890.
Hình vẽ giống chong chóng mô tả hoa cà độc. (Ảnh: Devlin Gandy).
Dù từ lâu giới nghiên cứu cho rằng các hình vẽ hang động ra đời khi người vẽ ở trong trạng thái mê man do chất gây ảo giác, chưa có báo cáo rõ ràng nào về việc tiêu thụ chất gây ảo giác ở các di chỉ tranh đá trên thế giới, theo David Robinson, người đứng đầu nghiên cứu công bố hôm 23/11 trên tạp chí PNAS.
Một số học giả cho rằng tranh đá thường được tạo ra trong hang động mà các pháp sư thường lui tới. Nhóm nghiên cứu kết luận những hình vẽ thể hiện ảo tưởng xuất hiện trong đầu họ dưới sự tác động của thuốc. Theo Robinson, giảng viên khảo cổ ở Đại học Trung tâm Lancashire, Anh, suy đoán một pháp sư đi tới hang động bí mật, dùng chất gây ảo giác và vẽ lại ảo tưởng lên đá.
Các nhà khảo cổ lần đầu biết tới hình vẽ đá năm 1999, khi công nhân ở khu bảo tồn tự nhiên Wild Wolves ở cách Santa Barbara khoảng 145 km về phía đông bắc, tìm thấy hình vẽ chong chóng và sâu bướm vẽ bằng đất đỏ, một khoáng chất thường dùng ở tranh hang động trên khắp thế giới. Thoạt nhìn, hình vẽ chong chóng dài 10,5 x 17 cm không giống hoa cà độc. Hoa cà độc thường nở vào lúc trời bắt đầu tối để côn trùng thụ phấn, nhưng dưới hơi nóng ban ngày, cánh hoa sẽ cuộn lại giống hình chong chóng.