Những hoá thạch kỳ lạ 100 triệu năm tuổi tìm thấy ở Trung Quốc với xương, lông và các đệm thịt ở chân đã chứng tỏ các loài chim hiện nay tiến hoá từ chim nước.
|
Hình ảnh tái tạo của loài chim cổ lưỡng cư Gansus yumenensis - loài chim tiến bộ nhất ở đầu kỷ Creta từng được khám phá. (Ảnh: Mark A. Klingler/CMNH) |
Tiến sĩ Peter Dodson, giáo sư giải phẫu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và cộng sự đã thông báo về 5 bộ xương không hoàn chỉnh được tìm thấy cách Bắc Kinh 2000 km về phía tây.
Được gọi là Gansus yumenensis, loài chim có kích cỡ chim bồ câu này có vẻ ngoài dường như hao hao giống một con nhạn biển hay chim lặn (những loài chim chân màng ăn cá).
Các nhà khoa học cho rằng nó là một sinh vật biết bay cũng như biết lặn hoàn chỉnh, và có thể là chính là một trong những tổ tiên của các loài chim hiện đại.
"
Gansus rất gần với chim hiện đại và đã lấp khoảng trống giữa những loài rõ ràng là chim cổ xưa với sự bùng nổ những loài chim vào đầu kỷ Creta, kỷ cuối cùng của thời đại khủng long, cách nay 100 triệu năm", Dodson nói.
Ông cho biết Gansus là ví dụ cổ nhất về các loài chim cận hiện đại, phân nhánh từ cây gia đình có tổ tiên nguyên thuỷ là sinh vật nổi tiếng Archaeopteryx - loài tiến hoá từ khủng long.
|
Hoá thạch gần nguyên vẹn của một con Gansus. (Ảnh Hai-lu You/CAGS) |
"
Tất cả các loài chim đang sống ngày nay, từ đà điểu châu Phi tới đại bàng đầu hói, có thể đều đã tiến hoá từ một ông tổ giống Gansus", một thành viên nhóm nghiên cứu nói.
5 bộ xương tìm thấy có niên đại từ 115 đến 105 triệu năm. Không con nào trong số chúng còn đầu, nhưng các đôi cánh, chân và đệm thịt ở chân các mẫu vật rất giống với những loài chim lặn và vịt đang sống, ngoại trừ một vài khác biệt.
Những con vật này chưa có được bộ xương xốp, rỗng giúp cơ thể nhẹ nhàng và lanh lại như với chim hiện đại, và chúng vẫn còn những cái móng nhỏ xíu ở đầu mũi cánh - bộ phận có thể đã khiến chúng bay vụng về hơn.
T. An