Kỹ thuật “ô khuyết” giúp xác định vai trò của nguyên tố đa lượng (đạm, lân và kali) đối với cây lúa trên đồng ruộng, qua đó, giúp nông dân tính toán được lượng phân bón cần thiết cho từng giống lúa, từng mùa vụ, từng cánh đồng.
Phân bón có vai trò rất quan trọng trong trồng trọt, giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng nông sản... Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón như thế nào cho hiệu quả, thì nhiều nông dân vẫn chưa nắm bắt được. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một kỹ thuật giúp xác định nhu cầu phân bón cho cây lúa.
Để sử dụng phân bón hiệu quả, nhất là trong sản xuất lúa, từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp đã thường xuyên khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong “4 đúng” nói trên, bón phân sao cho đúng liều lượng không phải là chuyện dễ dàng.
Chính vì vậy, để giúp nông dân xác định được đúng lượng phân cần bón cho cây lúa, Viện Lúa ĐBSCL đã giới thiệu kỹ thuật “ô khuyết”. Kỹ thuật này dựa trên nghiên cứu về bón phân theo nhu cầu của cây lúa, do Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) thực hiện. Kỹ thuật “ô khuyết” giúp xác định vai trò của nguyên tố đa lượng (đạm, lân và kali) đối với cây lúa trên đồng ruộng, qua đó, giúp nông dân tính toán được lượng phân bón cần thiết cho từng giống lúa, từng mùa vụ, từng cánh đồng. Bà con làm theo 4 bước như sau:
Kỹ thuật “ô khuyết” giúp xác định vai trò của nguyên tố đa lượng (đạm, lân và kali) đối với cây lúa.
Để xác định năng suất mục tiêu, phải thống kê và tính ra năng suất trung bình của 3 năm liền kề. Năng suất mục tiêu cần phải cao hơn năng suất trung bình khoảng 0,5 tấn/ha, nhưng phải có cơ sở thực tế, không đưa ra mức năng suất quá cao hoặc quá thấp.
Để có đủ dinh dưỡng, cây lúa sẽ phải hút chất dinh dưỡng trong đất và trong phân bón. Nghiên cứu của IRRI cho thấy, để tạo ra 1 tấn lúa, cây lúa phải hấp thu và tích lũy được 15kg N, 6 kg P2O5, 18kg K2O. Như vậy, nếu đặt năng suất mục tiêu là 7 tấn/ha thì trên mỗi ha, cây lúa cần 105kg N, 42kg P2O5 và 126kg K2O.
Lúa lấy dinh dưỡng từ đất và phân bón. Vì vậy, để tính ra được lượng phân bón cần thiết, phải xác định được lượng dinh dưỡng từ đất. Để xác định lượng dinh dưỡng trong đất, trên đồng ruộng, bà con đắp bờ thành 3 ô nhỏ liền kề nhau, mỗi ô có kích thước 5X5 m. Để không làm sai lệch kết quả, cả 3 ô đều luôn đầy đủ nước, không bị sâu bệnh, cỏ dại tấn công. Lần lượt, mỗi ô ứng với 1 trong 3 nguyên tố đa lượng bị khuyết (ô này không bón đạm, ô kia không bón lân, ô còn lại không bón kali), 2 nguyên tố đa lượng còn lại vẫn đầy đủ.
Khi thu hoạch lúa ở từng ô, phải ghi lại năng suất thực tế để tính ra lượng đạm, lân, kali mà cây lúa lấy từ đất và các nguồn khác như phụ phẩm nông nghiệp, phù sa, vi sinh vật … Nếu ở ô không bón đạm, năng suất lúa đạt 4,2 tấn/ha, thì lượng đạm mà lúa lấy từ đất là 4,2 (tấn) X 15 (kg) = 63kg N/ha; nếu ở ô không bón lân, năng suất đạt 5,5 tấn/ha, lượng lân mà lúa lấy từ đất là 5,5 (tấn) X 6 (kg) = 33kg P2O5/ha; nếu ở ô không bón kali, năng suất đạt 6 tấn/ha, lượng kali mà lúa lấy từ đất là 6 (tấn) X 18 (kg) = 108kg K2O/ha. Như vậy, nhu cầu về phân bón cho năng suất mục tiêu 7 tấn/ha sẽ là: 42 kg N/ha (lấy 105kg trừ đi 63kg), 9kg P2O5/ha (42kg P2O5 trừ đi 33kg) và 18kg K2O/ha (126kg K2O trừ đi 108kg).
Để xác định lượng phân bón cần dùng, ta dùng công thức FR=Nt – Nđ/Re (FR là lượng phân cần bón; Nt là tổng lượng dinh dưỡng cần thiết; Nđ là lượng dinh dưỡng cung cấp từ đất; Re là hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của cây). Lưu ý: Chỉ số Re phụ thuộc vào giống cây trồng, đất, mùa vụ và kỹ thuật canh tác; thông thường với phân đạm chỉ số Re = 40–60%, với lân Re = 20–30%, với kali Re = 40–50%. Nt và Nđ được xác định ở bước 2 và 3 nói trên. Sau đó, thiết kế quy trình bón phân cho từng nhóm giống lúa, từng vùng, từng mùa vụ … khác nhau.
Qua các kết quả nghiên cứu và theo cách tính toán như trên, trong vụ đông xuân, nông dân cần bón khoảng 100–110kg/ha phân đạm, vụ hè thu khoảng 70–90 kg/ha. Lượng phân lân là khoảng 30–60kg/ha, phân kali 30–40kg/ha. Có thể tăng thêm mỗi vụ 10 kg kali để duy trì hàm lượng kali trong đất ổn định.