NASA chia sẻ bức ảnh cuối cùng trong năm 2020 mô tả tinh vân Orion rực sáng như một chùm pháo hoa nhiều màu trong không gian.
Bức ảnh do NASA chia sẻ hôm 31/12/2020 là ảnh ghép chụp tinh vân Orion từ kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer. Tinh vân này ở cách Trái đất hơn 1.500 năm ánh sáng.
Tinh vân Orion trong ảnh ghép từ dữ liệu của hai kính viễn vọng không gian. (Ảnh: NASA).
Những tinh vân như Orion thường được xem như vườn ươm liên sao. Đó là các đám mây bụi và khí khổng lồ trong vũ trụ nuôi dưỡng ngôi sao non trẻ khi chúng ra đời. Một số tinh vân hình thành khi những ngôi sao chết. Trong quá trình lõi của ngôi sao nguội dần, chúng mất đi các lớp ngoài cùng, phân tán trong không gian tạo thành đám mây khí. Nhìn bằng mắt thường, tinh vân không có màu cầu vồng với những đốm sáng.
Khi kính viễn vọng không gian như Hubble chụp ảnh phân tử hydro, lưu huỳnh và carbon tạo thành tinh vân, thiết bị không ghi hình được màu sắc. Thay vào đó, Hubble ghi lại các hạt ánh sáng. Sau đó, chuyên gia của NASA có thể quan sát thông qua nhiều bộ lọc khác nhau chỉ cho phép một số loại bước sóng ánh sáng truyền qua. Cuối cùng, họ phân loại ánh sáng cho hạt đi qua bộ lọc. Ví dụ, ánh sáng đi qua bộ lọc đỏ được gán màu đỏ.
Bằng cách kết hợp màu sắc của cùng một tinh vân khi nhìn qua các bộ lọc khác nhau, NASA có thể tạo ra bức ảnh tổng hợp của tinh vân Orion. "Chúng tôi thường sử dụng màu sắc như một công cụ để tôn lên chi tiết của một vật thể hoặc hiển thị những gì không bao giờ có thể quan sát bằng mắt thường", NASA cho biết.
Các nhà khoa học ước tính có khoảng 3.000 tinh vân trong thiên hà của chúng ta. Tinh vân ở gần Trái đất nhất là tinh vân Helix, phần còn sót lại của một ngôi sao chết. Nó ở cách Trái đất 700 năm ánh sáng. Kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp ảnh tinh vân trong suốt 30 năm, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu những đám mây vũ trụ này tiến hóa, mờ đi và co lại như thế nào theo thời gian.