Đây là lần thứ 3 cầu Thăng Long, Hà Nội được sửa chữa, dự kiến quý IV năm 2020 sẽ hoàn thành.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974, hoàn thành tháng 5/1985. Cầu có 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, trong đó tầng trên có chiều rộng 20,5m, phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m.
Đến nay, mặt cầu trên làn đường ô tô đã hư hỏng sau 2 lần đại tu và nhiều lần sửa chữa nhỏ. Trong lần đại tu năm 1999, đơn vị thi công đã phải cào bóc lớp trên và thảm phủ lớp bê tông nhựa mới. Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được thay thế lớp phủ bằng công nghệ vật liệu SMA. Nhưng chỉ sau 2 tháng, mặt cầu lại hư hỏng và phải sửa chữa lớn vào năm 2011-2012.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư sẽ thực hiện gia cường mặt cầu thép hiện tại, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép.
Sau đó đổ lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén, chịu kéo cao, chiều dày tối thiểu 6cm. Tiếp theo sẽ thảm lớp bê tông nhựa polymer phía trên.
Đồng thời dự án thực hiện thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng, sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Từ ngày 8/8, để phục vụ thi công, chính thức cấm xe qua cầu, phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn xe tải, xe khách liên tỉnh từ phía Nam ra Bắc và ngược lại đi theo cầu Hưng Hà, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Thịnh. Riêng nội thành Hà Nội có 16 tuyến xe buýt đi qua cầu Thăng Long sẽ chuyển sang đi cầu Nhật Tân ở hạ lưu cầu Thăng Long.
Theo đại diện Công ty Cổ phần thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng (đơn vị sửa chữa cầu Thăng Long), công đoạn cào bóc lớp nhựa mặt cầu Thăng Long hiện đã hoàn tất 100%. Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tuổi thọ của công trình.
Lần sửa chữa này sẽ được thực hiện bằng những giải pháp khoa học và kỹ thuật mới nhất như sử dụng công nghệ hàn plasma để hàn đinh neo bằng thép phi 12, dài 5cm trên bản thép mặt cầu mà không làm thay đổi tính chất thép của mặt cầu.
Bề mặt cầu được bóc tách lớp nhựa cũ, hàn đinh neo dài 5 cm theo công nghệ plasma tốc độ nhanh để không gây biến tính vật liệu thép.
Đơn vị thi công sẽ sử dụng bê tông siêu tính năng có cốt sợi thép chịu biến dạng cao phủ lên bản thép mặt cầu rồi mới đổ bê tông nhựa.
Trước khi vào làm việc tại đại công trường, các công nhân đều phải tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Công nhân cải tạo bản thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ bằng cách làm sạch bề mặt, hàn đinh neo dài 5 cm theo công nghệ plasma tốc độ nhanh để không gây biến tính vật liệu thép. Sau đó, công nhân đặt lưới thép lên rồi đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao.
Mặt cầu được phủ bê tông nhựa polymer trên cùng để đảm bảo êm thuận, giảm ồn khi xe đi qua.
Công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long được đánh giá là cấp bách bởi tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đang hoàn thiện và dự kiến khánh thành trong năm nay.
Công nhân đội nắng thi công mặt cầu để đảm bảo theo đúng tiến độ.
Một lớp nhựa polymer được phủ lên bề mặt cầu.
Lớp nhựa polymer được phủ lên bề mặt cầu sẽ đảm bảo các yêu cầu về độ êm và giảm tiếng ồn.
Xe cẩu vận chuyển các loại vật liệu phục vụ sửa chữa cầu Thăng Long.
Dự kiến việc sửa chữa này sẽ được hoàn thành trong quý IV/2020.