Có gì mà phải bất ngờ cơ chứ? Chúng là "trí thông minh nhân tạo", chúng hoạt động bằng quy luật và "học" theo những gì xã hội dạy dỗ một cách tuyệt đối!
Cách đây khoảng một, hai tuần lễ, các trang báo công nghệ bắt đầu đăng tải tin tức rộng rãi rằng kỳ thủ cờ vây đã thất trận gần như toàn diện trước AlphaGo, một chương trình trí thông minh nhân tạo do một công ty con của Google phát triển. Đại diện của loài người chỉ thắng được một trận duy nhất khi đã nhận phần thua rõ ràng (AlphaGo thắng 3 trận đầu tiên), và đến trận cuối cùng, tài năng của Lee vẫn thất bại trước sự ma mãnh của AlphaGo.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi? "Đến bây giờ mới thắng á?"
"Đến bây giờ máy móc mới đánh bại được con người trên bàn cờ vây?"
Là 9X đời đầu, tôi may mắn được cha mẹ mua cho chiếc máy tính đầu tiên vào thời điểm khá sớm, khi vừa vào học cấp 2. Cũng giống như phần lớn những chiếc máy tính được bán ra tại Hà Nội (và có lẽ là Việt Nam), máy tính đầu tiên của tôi có cài đặt sẵn nhiều trò chơi: Road Rash, Moto Racer, WarCraft II, Starcraft, Counter Strike... Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác vào lúc đó, tôi cuồng Starcraft, dù rằng ván nào tôi cũng chỉ xây tháp rồi "limit" Dragoon mang đánh nhà đối phương.
Đây là một trong những cơ hội duy nhất để tôi đánh bại máy tính.
Bên cạnh một phần tuổi thơ dữ dội này, chiếc máy Pentium III của tôi còn có trò chơi Line, Cờ vua và Cờ tướng.
Dĩ nhiên là phần lớn thời gian của tôi được dành cho Starcraft, nhưng ở độ tuổi tò mò, tôi vẫn nhận ra rằng bố tôi hiếm khi chọn các đối thủ 3 sao trong trò Cờ tướng. Tôi hỏi tại sao, ông trả lời: "Khó quá, bố không thắng nổi".
Và tôi cũng chưa từng thắng một ván cờ vua nào ở mức độ Hard cả. Kể cả vào thời điểm năm 2002 chưa có Internet phổ cập cho những gia đình trung lưu, tôi vẫn biết rằng máy vi tính đã đánh bại con người trên lĩnh vực cờ vua. Sau này, khi chuẩn bị bước chân vào ngành khoa học máy tính, tôi mới biết được rằng lần đầu tiên máy móc đánh bại một đại kiện tướng cờ vua là vào năm 1997, khi "siêu máy tính" Deep Blue đánh bại nhà vô địch Garry Kasparov. Từ 1997 đến 2002, theo định luật Moore, mức độ "nguy hiểm" của máy tính đã tăng đến 8 lần.
Bố tôi không phải là một đại kiện tướng cờ tướng và tôi cũng chẳng mấy khi động tới trò Cờ vua trên chiếc máy tính đầu tiên của mình. Nhưng đến bây giờ, khả năng con người có thể chiến thắng một chiếc máy tính trên lĩnh vực cờ tướng/cờ vua đã là hoàn toàn không thể. Chỉ số ELO của máy tính đã lên tới mức 3400 từ vài năm trước, tức là cao hơn hẳn 1000 so với điểm ELO của các đại kiện tướng.
Khả năng con người chiến thắng một chiếc máy tính trên lĩnh vực cờ tướng hay cờ vua đã là hoàn toàn không thể.
Thực tế, cờ vua là một môn thể thao trí óc đại diện cho trí tuệ của con người. Nhưng tất cả mọi trò chơi đều có quy luật.
Deep Blue được trang bị các bộ xử lý riêng, tối ưu cho cờ vua. Khi bạn còn đang lóng ngóng chuẩn bị cho bước đi tiếp theo thì máy tính đã có thể tính toán ra được vô số khả năng tiếp theo, bao gồm cả những khả năng sẽ xảy ra khi bạn đi 1, 2, 3 hoặc 10 bước cờ nữa.
Dĩ nhiên là các đại kiện tướng cũng có khả năng như vậy – không tính toán được đường đi nước bước của đối thủ thì làm sao mà thắng được cờ? Nhưng điều làm nên khác biệt mấu chốt giữa con người và máy móc là ở chỗ phần mềm không bị xao nhãng bởi bất kỳ một yếu tố nào khác ngoài ván cờ. Chúng có khả năng tính toán siêu việt, một thế mạnh mà mẹ tự nhiên không trang bị cho chúng ta. Do cờ vua có luật rõ ràng, máy tính có thể áp dụng thế mạnh của mình để dự đoán tất cả những trạng thái có thể của bàn cờ và lưu vào cơ sở dữ liệu (endgame table). Và chúng không biết mệt mỏi, không phải chịu sức ép "bằng mọi giá phải thắng ván này".
Máy tính có khả năng tính toán siêu việt và không bị xao nhãng bởi bất kỳ yếu tố nào.
Ngay cả môn cờ vây cũng có quy luật rõ ràng, nhưng luật chơi cờ vây cho phép mở ra số lượng khả năng lớn hơn rất nhiều so với cờ vua. Việc áp dụng các bộ phần mềm đơn thuần như cờ vua (chess engine) là chưa đủ để đánh bại con người trên bàn cờ vây. Vũ khí tiếp theo của máy móc (hay nói chính xác hơn là của các lập trình viên) trong công cuộc đánh bại các kỳ thủ là trí thông minh nhân tạo.
Chìa khóa để AlphaGo đánh bại Lee Sedol là khả năng học hỏi thực sự. AI này sẽ học tất cả những ván cờ thu nhận được để có thể chọn lựa được bước đi hiệu quả nhất cho các lượt đi tiếp theo. AlphaGo cũng sẽ tự đấu với mình và lại tiếp tục chọn lựa những bước đi tối ưu hơn nữa. Khi không thể tính ra toàn bộ những trạng thái có thể xảy ra trên bàn cờ vây "thiên biến vạn hóa", AlphaGo, hay nói chính xác là các bộ data set được Google nạp vào AlphaGo, rút ngắn đường đến chiến thắng bằng cách "học" và chọn lọc tất cả những gì tinh túy nhất từ các kỳ thủ cờ vây.
Thực chất, AlphaGo vẫn hoạt động trên những quy luật, nhưng đây không phải là cách áp dụng quy luật theo kiểu "phổi bò" như chess engine mà là áp dụng những quy luật ứng phó đã được chọn lọc từ một kho dữ liệu khổng lồ nhất, tinh túy nhất. Và cũng giống như DeepMind, AlphaGo không biết xao nhãng, không biết mệt mỏi.
Facebook có khả năng nhận diện khuôn mặt đạt mức độ chính xác ngang ngửa với con người.
Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng những tác vụ đơn giản như tìm kiếm Google, gửi Gmail hay up ảnh lên Facebook cũng mang cùng một bản chất với quá trình "đào tạo" AlphaGo chơi cờ vây của con người. Khi bạn cung cấp thông tin cá nhân cho Google qua tìm kiếm và email, thuật toán sẽ giúp máy chủ của Google sẽ phân tích các thông tin của bạn rồi đưa ra lựa chọn quảng cáo phù hợp nhất. Khả năng nhận diện ra vị trí của bạn và những người khác trong từng bức ảnh của Facebook cũng là do bạn đã cung cấp rất nhiều thông tin về khuôn mặt của mình từ những bức ảnh trước đó cho thuật toán của Facebook.
Khả năng nhận diện khuôn mặt của Facebook đã đạt mức độ chính xác ngang ngửa với con người, nhờ có sự "dạy dỗ" của chúng ta, trong khuôn khổ thuật toán của Mark Zuckerberg.
Nhưng cũng chính điều này sẽ mở ra những kịch bản vô cùng xấu xí. Mới đây, "cô gái AI tuổi teen" TayTweet của Microsoft đã nhanh chóng biến thành một kẻ phân biệt chủng tộc xấu xí chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra mắt.
Cũng giống như phần mềm nhận diện hình ảnh của Facebook hay AlphaGo, Tay cũng "học" khả năng phát ngôn từ những bộ dữ liệu được cung cấp. Nhưng đáng tiếc là bộ data set đầu vào của Tay lại đến từ một mạng xã hội, nơi con người có thể bày tỏ những gì xấu xí nhất của mình. Không mấy bất ngờ, khi "nhại" lại cộng đồng Twitter, Tay gọi vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ một cách miệt thị là "con khỉ" và rồi ca ngợi "Hitler đã đúng, tôi ghét bọn Do Thái".
"Cô gái Al tuổi teen" TayTweet nhanh chóng biến thành kẻ phân biệt chủng tộc chỉ sau vài giờ ra mắt.
"Đáng tiếc, sau 24 giờ hoạt động trực tuyến, chúng tôi nhận thấy một số người dùng đã cố gắng lạm dụng khả năng bình luận của Tay để khiến AI này phản hồi theo những cách không phù hợp", Microsoft chua xót tuyên bố khi dừng hoạt động của "cô gái tuổi teen" chạy trên những dòng code này.
Nếu Microsoft còn tiếp tục ra mắt những AI như Tay trong tương lai và lấy nguồn "học hỏi" là cộng đồng mạng, tôi tin rằng nếu AI có phán xét chúng ta thì con người sẽ là một giống loài vô cùng xấu xí. Facebook có vẻ đã khôn khéo hơn Microsoft khi lựa chọn truyện cổ tích làm nguồn dữ liệu để dạy ngôn ngữ cho AI của mình, nhưng nếu muốn học hỏi những thông tin thực sự có ích thì AI sẽ buộc phải tiếp xúc với những gì đang thực sự diễn ra trong tâm trí người dùng.
Con người không phải lúc nào cũng thể hiện những gì tốt đẹp. Nếu một ngày nào đó AI có đủ tiềm thức, chúng sẽ hủy diệt con người. Chẳng vì chúng thấy con người là xấu xí mà vì chính chúng ta đã dạy chúng những điều xấu xí.
Thật may mắn, AI vẫn đang chịu 3 giới hạn lớn. Đầu tiên, định luật Moore đi đến giới hạn cũng có nghĩa rằng chúng khó có thể tồn tại trong những thân hình có khả năng di động cao như hình người hoặc hình thú vật.
Tiếp đó, chúng vẫn đang là những cỗ máy chỉ có một mục đích duy nhất. Chưa có một bộ AI nào vừa có thể đánh bại con người trên bàn cờ vây, vừa có thể đăng đàn chứng tỏ bản thân trên Facebook. Khả năng suy nghĩ của máy móc vẫn đang bị giới hạn vào những lĩnh vực cụ thể.
Al vẫn chịu sự bó buộc của những quy luật.
Và may mắn hơn cả là chúng vẫn bị bó buộc trong những quy luật. Điều này có nghĩa rằng chừng nào con người vẫn chưa thể cung cấp đủ dữ liệu cho AI để chúng học ra những nguyên tắc chiến thắng tối ưu nhất, bạn vẫn có thể yên tâm rằng con người sẽ chưa gục ngã trước AI.
Ví dụ, một game thủ Starcraft mới đây đã tuyên bố rằng AI không thể đánh bại con người trên trò chơi này. Xét tới những khả năng không giới hạn mà trò chơi này mở ra, tôi tin rằng gosu trên nói đúng. Ít nhất là trong vòng vài năm sắp tới.
Nhưng kể cả trong trường hợp một ngày nào đó chúng ta bị thua AI trên Starcraft hay LOL thì bạn cũng đừng vội quá hoảng sợ. "Quy luật", "chiến lược" là điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Trong đời thực, không phải thứ gì cũng có quy luật, ngay cả những việc mà kỹ sư phần mềm nào cũng phải trải qua như làm quen với các bạn gái chẳng hạn. Một số người sẽ nói với bạn rằng "tôn chỉ" để cưa đổ được nàng là phải "ngang tàn hùng dũng", nhưng ngay cả quy luật đó không phải là lúc nào cũng áp dụng được. Cuộc sống của chúng ta vẫn quá rối loạn và phức tạp để chính chúng ta có thể học lấy những quy luật có ý nghĩa, chứ đừng nói tới AI.
Điều kỳ lạ là những trò chơi được chúng ta dùng để chúng ta chứng tỏ trí thông minh và kỹ năng lại vẫn là quá đơn giản so với cuộc sống hàng ngày. Thực chất, máy tính vẫn còn quá đơn giản so với con người. Bạn nghĩ các ngôn ngữ lập trình là phức tạp ư? Java, C#, C++, Javascript, Swift... tất cả vẫn là quá "cấp thấp" so với ngôn ngữ người.
Với máy tính x = 1 + 1 có nghĩa rằng x = 2. Nếu nàng gửi cho bạn một tin nhắn "1 + 1", bạn sẽ nghĩ gì?
Trò chơi tuổi thơ cũng là lý do tôi chưa sợ sẽ có ngày AI/robot hủy diệt con người.
Trở lại với vấn đề chính. Cũng bởi AI nói riêng và máy móc nói chung luôn tuân theo những quy luật nên chìa khóa hướng tới tương lai bền vững của con người là không được để cho AI hiểu biết về các khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Chúng đã và đang học hỏi, một ngày nào đó nếu nắm bắt được tất cả những quy luật của con người, chúng sẽ có đủ khả năng đánh bại chúng ta trên cả Starcraft lẫn các cuộc chiến tranh đổ máu thực sự.
Và chắc chắn là nếu có đủ khả năng làm điều đó, chúng cũng đã đưa ra kết luận rằng loài người là một thứ xấu xí và đáng bị loại trừ.