Tìm thấy "hạt của Chúa", ngôi sao có 9 hành tinh, loài lưỡng cư không chân,... là những phát hiện nổi bật nhất trong năm 2012, theo bình chọn của tạp chí National Geographic.
Con cá sấu có mào tên là Lolong, sống tại thành phố Bunavan, Philippines vừa được ghi nhận trong Sách kỷ lục Guinness là đại diện của loài bò sát to lớn nhất sống trong chuồng nuôi nhốt. Lolong đạt được chiều dài là 6,7m, nặng hơn 1 tấn, lớn hơn con cá sấu trong sách kỷ lục trước đó 1m chiều dài và 100kg trọng lượng.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy những phân tử đường trong lớp khí bao quanh một ngôi sao cách Trái đất của chúng ta khoảng 400 năm ánh sáng. Phát hiện này này góp thêm một bằng chứng cho thấy khả năng sự sống có thể tồn tại trên những hành tinh khác.
Theo nghiên cứu của các nhà thiên văn học thuộc Đài quan sát quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro, một hành tinh chưa được phát hiện có thể tồn tại ở vành đai tối của Hệ mặt trời. Tiến sĩ Rodney Gomes cho biết vành đai đôi hay còn được gọi là vành đai Kuiper, được tạo nên bởi những thiên thể băng và nằm ngay bên ngoài quỹ đạo của sao Hải vương.
Một loại hạt mới có các đặc điểm tương thích tới 99% so với hạt cơ bản Higgs - hay còn gọi là "hạt của Chúa" đã được phát hiện tại Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) vào tháng 7 năm nay.
Loại hạt mới phát hiện này được xem là hạt cơ bản cuối cùng cần thiết để hoàn thành chuỗi mắc xích trong Mô hình chuẩn của vật lý hạt - thuyết cơ bản của vật lý hiện đại mô tả về tính tương tác mạnh, yếu của tất cả các hạt hạ nguyên tử và được dùng để giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Thông qua các cuộc khảo sát khám phá lòng đại dương, nhóm các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một hệ sinh thái đang bị những chú cua Yeti “chiếm đóng” dưới độ sâu khoảng 2.400m ở ngoài khơi Nam cực. Ngoài ra, họ cũng phát hiện thấy nhiều loài mới tại đây như hàu, cua, cỏ chân ngỗng và thậm chí cả bạch tuộc. Hiện tại, những loài mới này đang chờ giới khoa học kiểm chứng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hertfordshire (Anh), HD 10180 - một ngôi sao giống Mặt trời thuộc chòm sao Hydrus - có thể bao gồm 9 hành tinh quay quanh nó. Nếu phát hiện này chính xác, HD 10180 sẽ là hệ sao có nhiều hành tinh nhất trong vũ trụ. Kỷ lục hiện tại thuộc về Hệ mặt trời của chúng ta với 8 hành tinh chính thức.
Một loài khỉ đêm mới (ảnh) là một trong số 8 loài động vật có vú mới được phát hiện trong một chuyến khám phá khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe ở Peru. Phát hiện được công bố bởi một nhóm các nhà sinh vật học quốc tế đến từ Mexico và Peru vào tháng 9 vừa qua.
Các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện một loài động vật lưỡng cư không chân mới, được đặt tên là Chikilidae (thuộc đại gia đình lưỡng cư dạng giun bí ẩn Caecilian), sống dưới lớp đất rừng ở đông bắc Ấn Độ. Các nhà khoa học gọi chúng là lưỡng cư dạng giun bởi bề ngoài của chúng giống như giun đất.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một hang động chưa từng được khám phá ngay giữa thành phố rất lớn của người Maya. Trên các bức tường trong hang động vẽ đầy các hình ảnh dự đoán chu kỳ của mặt trăng (tương tự âm lịch) và các loại lịch khác. Trong đó có lịch chu kì của người Maya và nó được tính đến tận hàng ngàn năm sau trong tương lai. Điều đó có nghĩa là những tin đồn về dự báo kết thúc thế giới đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Các nhà khoa học đã phát hiện ngôi đền cổ Night Sun khoảng 1.600 năm tuổi của người Maya dưới kim tự tháp El Diablo ở thành phố El Zotz, Guatemala. Trong đó chứa đầy các hình khắc, đồ gốm, vải vóc và và mặt nạ khổng lổ của thần mặt trời. Ngôi đền còn nguyên vẹn được cho là của vua Maya cổ đại.
Nền văn minh Maya thịnh vượng vào khoảng 2.000 năm trước tại khu vực thuộc Trung Mỹ, nay là đông nam Mexico, bắc Guatemala và Honduras. Người Maya đã đạt tới trình độ cao không chỉ về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn về kiến trúc, toán học, thiên văn.