Kho báu 19 tỷ USD dưới lòng đại dương, lăng mộ 4.000 năm tuổi, hài cốt đeo vương miện cùng nhiều khảo cổ bí ẩn khác trên thế giới sẽ hé lộ cuộc sống của con người thời cổ đại.
Thành phố 3.000 năm tuổi bị chôn vùi dưới cát (Ai Cập) được cho là "thành phố vàng mất tích", có từ thời trị vì của Amenhotep III. Địa điểm được tìm thấy gần Luxor, quê hương của Thung lũng các vị vua. Sau 7 tháng khai quật, một số khu vực lân cận đã được phát hiện, bao gồm một tiệm bánh hoàn chỉnh với lò nướng và đồ gốm lưu trữ, các khu hành chính và dân cư. (Ảnh: Business Insider).
Cỗ xe nghi lễ cổ đại (Italy) được tìm thấy tại một biệt thự gần Pompeii, một thành phố cổ ở miền Nam Italy. Đây được cho là phương tiện sang trọng, sử dụng trong các nghi lễ như đám cưới thời xưa. Cỗ xe được làm bằng đồng và thiếc gần như hoàn toàn nguyên vẹn, với dấu tích bằng gỗ và dấu ấn của dây thừng. (Ảnh: Focus.it).
Nhà hàng cổ 2.000 năm ở Pompeii (Italy) được phát hiện vào năm 2019 với hiện trạng khá nguyên vẹn nhờ lớp tro bụi của núi lửa. Những bức bích họa trên quầy bar được cho là hình ảnh mô tả những món ăn mà khách hàng có thể gọi. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những mẩu xương lợn, dê, cá, vịt, vỏ ốc sên... đựng trong các bình đất nung. Phát hiện này như minh chứng cho những món ăn phục vụ ở nhà hàng. (Ảnh: Le Sirenuse).
Kho tiền cổ thời La Mã (Đức): Hơn 5.500 đồng xu bạc La Mã được phát hiện tại lòng sông cổ ở Ausburg, Đức. Theo các nhà khảo cổ học, những đồng xu này là denarii, có niên đại khoảng 1.800 năm. Nguồn gốc của những đồng xu vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà khảo cổ học cho rằng nó có thể bị cuốn trôi nhiều thế kỷ bởi một trận lũ lụt trên sông Wertach. (Ảnh: The European Times).
Xác tàu đắm La Mã ở Sicily (Italy) được tìm thấy ở độ sâu 92 m, có niên đại hơn 2.000 năm. Tại xác tàu, các nhà khoa học phát hiện con tàu chở đầy các bình chứa rượu vang, dầu olive. Phát hiện góp phần hé lộ về thương mại hàng hóa cũng như cuộc sống trên tàu và mối quan hệ giữa các dân cư ven biển Địa Trung Hải. (Ảnh: CNN).
Giả thuyết về sự cầm quyền của phụ nữ ở Tây Ban Nha thời cổ đại: Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã khai quật hai bộ hài cốt, một nam và một nữ, khoảng 3.700 năm tuổi được chôn cất cùng nhau. (Ảnh: The New York Times).
Trên hài cốt người phụ nữ, các nhà khảo cổ tìm thấy loạt trang sức bằng bạc như nhẫn, vòng tay, vương miện… Trong khi đó, người đàn ông chôn cất bên cạnh chỉ có khuyên tai vàng, nhẫn, một con dao găm bằng đồng. Theo các học giả, người phụ nữ này thuộc tầng lớp thống trị trong xã hội El Argar, vương miện trên đầu là biểu tượng của quyền lực. (Ảnh: CNN).
Các mảnh của Cuộn sách Biển Chết trong hang kinh dị ở sa mạc Judean (Israel) gồm những đoạn văn được viết bằng tiếng Hy Lạp, riêng tên của Chúa được viết bằng chữ Do Thái cổ đại. Những mảnh giấy này này được cho là một phần từ các sách Kinh Thánh của tiên tri Zechariah và Nahum. Ngoài ra, những nhà khoa học còn phát hiện ra những đồng xu quý hiếm, bộ xương có niên đại 6.000 năm của một đứa trẻ, chiếc giỏ có từ 10.000 năm trước tại đây. (Ảnh: BBC).
Đấu trường La Mã 1.800 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ được tìm thấy vào năm 2020, trên sườn đồi Mastaura. Đây được cho là nơi tổ chức những trận giác đấu cũng như đọ sức với động vật hoang dã. Phần lớn đấu trường nằm dưới đất, khu vực trung tâm bị các loài cây dại che vùi. (Ảnh: Imperium Romanum).
Lăng mộ của Ptah-M-Wiah - thủ quỹ chính dưới thời trị vị của Pharaoh Ramses II (Ai Cập) được phát hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Cairo. Lăng mộ bao gồm đền thờ nữ thần, kim tự tháp nhỏ và sân. Những bức tường của lăng mộ được chạm khắc ấn tượng với cảnh tượng dâng đồ thờ cúng, cảnh mổ thịt một con bê... (Ảnh: ARTnews.com).
5 lăng mộ Ai Cập 4.000 năm tuổi ở Ai Cập được phát hiện trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn. Đây là những lăng mộ dành cho các quan chức cấp cao ở Ai Cập cổ đại như những người phụ trách giám sát cung điện, thầy tế... Bên trong những lăng mộ này là nhiều tác phẩm nghệ thuật và các công trình kiến trúc đặc sắc, hé lộ về cuộc sống thường ngày của người Ai Cập xưa. (Ảnh: El Confidencial).
Ngôi đền cổ thờ thần Zeus ở Ai Cập (Ai Cập) được tìm thấy tại khu khảo cổ Tell el-Farma. Hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục khai quật những tàn tích ở đây. Theo thông tin mới nhất, các dòng chữ được tìm thấy trên một số khối đá granit cho thấy Hoàng đế La Mã Hadrian (trị vì năm 117-138 sau Công nguyên) đã cải tạo lại ngôi đền này. (Ảnh: Verve times).
Kho báu trong xác tàu đắm San Jose ở ngoài khơi Colombia chứa đầy vàng, bạc và đồ trang sức, được phát hiện vào năm 2015. Năm 1708, tàu chiến San Jose của Tây Ban Nha đã bốc cháy và chìm xuống đáy đại dương sau trận giao chiến với 4 tàu Anh. Là tàu chiến của Tây Ban Nha, nhưng lại nằm dưới đáy biển Colombia, sau nhiều năm, kho báu trị giá 19 tỷ USD vẫn bị tranh chấp bởi 2 quốc gia này. (Ảnh: National Geographic).
Một thành phố của đế quốc La Mã tại Tây Ban Nha được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ nhất, cuối thời kỳ Flavian hoặc đầu thời Antonine. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện tàn tích của các tòa nhà cổ ở khu vực gần sông Aragon ở miền Bắc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, không có tài liệu lịch sử ghi chép về thành phố của các tòa nhà này. Đó cũng chính là thời khắc thành phố này được tìm ra. Hiện nay, các nhà khảo cổ học cũng đã xác định được một số đường phố, vỉa hè, cống thoát nước... (Ảnh: EL PÁIS in English).
Xác tàu Endurance chở nhà thám hiểm nổi tiếng Ernest Shackleton ở Nam Cực. Vào năm 1915, con tàu Endurance bị mắc kẹt trên băng khiến Shackleton và đoàn 27 người bắt đầu hành trình phiêu lưu kéo dài một năm để trở về đất liền. Đến tận năm 2022, xác con tàu mới được tìm thấy dưới đáy biển Wedell, bởi nhóm nghiên cứu Bắc Cực. Ảnh: Esquire.
Quan tài cổ được phát hiện dưới nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp): Sau trận hỏa hoạn thiêu rụi nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 2019, các nhà khảo cổ học đã được gọi đến để đo lường mức độ thiệt hại. Trong quá trình khai quật ở nhà thờ đầu năm 2022, hai quan tài bằng chì đã được phát hiện nhưng không rõ danh tính. Phát hiện mới nhất vào ngày 9/12/2022, các nhà nghiên cứu cho rằng quan tài chứa hài cốt hai người đàn ông thượng lưu. Một người là thầy tu, người còn lại là hiệp sĩ trẻ tuổi. (Ảnh: Smithsonian Magazine).
Phát hiện hóa thạch của loài khủng long kỳ lạ ở Brazil: Hóa thạch của loài khủng long 110 triệu tuổi này được đặt tên là Ubirajara jubatus. Các nhà nghiên cứu cho biết nó có kích thước nhỏ, đi bằng hai chân với các sợi lông dài như ruy băng và cứng nhô ra từ vai. Theo các nhà khoa học, sinh vật này có bề ngoài rất khác biệt, không giống với bất kỳ loài nào từng biết trước đây. (Ảnh: The Fossil Forum).
Một ngôi chùa cổ 2.300 năm tuổi được phát hiện tại Pakistan: Nằm ở thị trấn Barikot, các nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Ngoài ngôi chùa, nhóm nghiên cứu còn khai quật được các đồ vật khác như tượng, tiền xu, đồ gốm... (Ảnh: Daily Sabah).