Top 4 chiến mã huyền thoại được ghi danh vào sử sách

  •  
  • 496

Ngựa chiến là bạn đồng hành không thể thiếu của các hoàng đế, tướng quân thời cổ đại.

Khi bên cạnh chủ nhân, chúng không chỉ là vật cưỡi, mà còn là phương tiện giúp họ làm nên chiến tích lẫy lừng, thậm chí góp phần vào việc định hình thế giới. Dưới đây là 4 con ngựa đã được người xưa ghi công.

Bucephalus của Alexander

Alexander Đại đế (356 - 323 TCN, Vương quốc Macedonia) là một trong các nhà chinh phạt vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. Sự nghiệp chiến binh của ông bắt đầu từ tuổi thiếu niên, kéo dài đến tận khi nhắm mắt xuôi tay và thành quả là chinh phục được gần như toàn bộ thế giới thời bấy giờ. Nhờ có ông, biên giới Hy Lạp mở rộng đến tận Punjab, Ấn Độ.

Alexander và Bucephalus, tranh của Domenico Maria Canuti (1645 - 1684).
Alexander và Bucephalus, tranh của Domenico Maria Canuti (1645 - 1684). (Ảnh: Thecollector.com).

Đồng hành cùng Alexander Đại đế là Bucephalus, con ngựa được nhà sử học Plutarch (46 - 119 SCN) ví như “hình ảnh phản chiếu của Đại đế”. Nó được sinh ra cùng ngày với Alexander và khoảnh khắc mà nó gặp được chủ nhân cũng chính là thời điểm dòng chảy lịch sử thay đổi.

Ban đầu, Bucephalus là món hàng của Philippos Đệ nhị, phụ hoàng của Alexander mua về. Dù mới là ngựa non nhưng Bucephalus vô cùng ương bướng, không cho phép bất cứ ai cưỡi lên người.

Sau nhiều lần thử thất bại, Philippos Đệ nhị giận dữ đòi vứt bỏ con ngựa. Alexander tiếc vẻ ngoài xinh đẹp của nó, xin phụ hoàng cho phép mình tự tay thuần phục. Tuy chưa có kinh nghiệm quan sát ngựa nhưng Alexander lại nhìn ra ngay,

Bucephalus bị hoảng sợ vì thấy cái bóng của nó và thành công vỗ về. Kể từ đó, Bucephalus và Alexander luôn như hình với bóng. Khi Alexander bắt đầu chiến dịch xâm lược Ba Tư, Bucephalus được chọn làm chiến kỵ.

Trong vai trò chiến kỵ của tướng quân và sau đó là hoàng đế Alexander, Bucephalus có mặt trên mọi chiến trường. Nó dũng cảm và kiên cường giống hệt như chủ nhân, cho dù có bị thương cũng không chùn bước. Trải qua nhiều trận chiến, cả Bucephalus lẫn Alexander đều đầy sẹo nhưng đã tới được nơi mà lúc bấy giờ gọi là “điểm tận cùng của thế giới” - Ấn Độ.

Năm 326 TCN, sau Trận chiến Hydaspes, Bucephalus tử thương, thọ 30 tuổi. Mất Bucephalus, Alexander vô cùng đau lòng. Đại đế cho xây dựng một thành phố bên bờ sông Hydaspes, đặt tên là Alexandria Bucephala. Ba năm sau, ông cũng qua đời ở Babylon, để lại đế chế rộng lớn.

Con ngựa dị dạng của Caesar

 Julius Caesar cưỡi ngựa băng qua sông Rubicon, tranh của Adolphe Yvon (1817 - 1893).
Julius Caesar cưỡi ngựa băng qua sông Rubicon, tranh của Adolphe Yvon (1817 - 1893). (Ảnh: Thecollector.com).

Julius Caesar (100 - 44 TCN) là tướng quân, chính khách và nhà độc tài khét tiếng. Chiến kỵ của ông không được đặt tên nhưng cũng nổi danh không kém gì Bucephalus.

Theo nhà sử học Suetonius (69 - 122 SCN), con ngựa này có dị tật bẩm sinh rất lạ là móng guốc bị chia thành nhiều ngón, nhìn “gần giống như chân người”. Từ khi con ngựa này mới ra đời, các thầy bói đã tiên đoán ai ngồi được trên lưng nó thì sẽ trở thành người thống trị thế giới.

Caesar yêu thích “con ngựa nhiều ngón” vì 2 lẽ, móng guốc đặc biệt và chỉ nhận một mình ông làm chủ. Trên lưng nó, Caesar vượt qua Rubicon dập tắt ngọn lửa nội chiến.

Mỗi lần đối mặt với tỷ lệ thắng trận bấp bênh, ông lại thúc “con ngựa nhiều ngón” tiên phong tấn công để nâng cao tinh thần chiến đấu cho quân sĩ. Khi “con ngựa nhiều ngón” qua đời, Caesar đã cho đúc tượng tôn vinh và đặt trước Đền thờ Vệ nữ Genetrix, tổ mẫu trong thần thoại của gia tộc ông.

Incitatus của Caligula

Hoàng đế Caligula và con ngựa Incitatus suýt được làm quan.
Hoàng đế Caligula và con ngựa Incitatus suýt được làm quan. (Ảnh: Thecollector.com).

Caligula (12 - 41 SCN, La Mã) là hoàng đế thứ 3 trong Triều đại Julio - Claudian, triều đại đầu tiên của La Mã. Thời gian trị vì của ông khá ngắn ngủi và gắn liền với tên tuổi của con ngựa suýt nữa thì được phong làm quan chấp chính - Incitatus.

Khác với 2 chiến mã của Alexander và Caesar dành phần lớn cuộc đời trên chiến trường, Incitatus chẳng mấy khi phải ra trận. Nó được Hoàng đế Caligula xem như thú cưng, xây cho chiếc chuồng lộng lẫy như ngôi nhà đẹp đẽ nhất với tường bằng đá cẩm thạch và máng ăn cỏ bằng ngà voi. Theo nhà sử học Cassius Dio (155 - 235 SCN), mỗi ngày, tôi tớ của Caligula lại bê yến mạch trộn vảy vàng đem cho Incitatus ăn.

Một hôm, Hoàng đế Caligula đột ngột đòi phong cho Incitatus làm quan chấp chính, chức quan cao nhất trong triều đình Julio - Claudian. Tất nhiên, điều này khiến bách quan kinh ngạc và phản đối quyết liệt. Vì lẽ đó, Incitatus không thể thành công trở thành quan to.

Tuy nhiên, sau khi qua đời, nó vẫn trở thành nhân vật không thể thiếu trong các câu chuyện kể về Caligula. Người yêu mến hoàng đế thì cho rằng, ông cố tình đề xuất giao chức quan cho Incitatus để răn đe bách quan. Người chán ghét thì nghĩ, hoàng đế vốn là hôn quân bạo chúa, kẻ điên rồ đến mức đi cho ngựa làm chấp chính.

Borysthenes từ Alan của Hadrian

Mảnh còn sót lại của văn bia tưởng niệm Borysthenes từ Alan.
Mảnh còn sót lại của văn bia tưởng niệm Borysthenes từ Alan. (Ảnh: Thecollector.com)

Hoàng đế Hadrian (76 - 138 SCN, La Mã) gần như đi thị sát suốt đời. Phần lớn thời gian của ông là đi thăm nom các vùng đất dưới quyền trị vì của mình, ăn ngủ với chiến bào và ở cùng các chiến binh. Tất nhiên, hoàng đế phải có phương tiện thích hợp để di chuyển liên tục và đó chính là con ngựa mang tên Borysthenes từ Alan.

Borysthenes từ Alan có gốc gác Alan, là món quà mà Vua Rasparaganus của Roxolani láng giềng bày tỏ sự cảm tạ trước thịnh tình của Hoàng đế Hadrian. Đúng như cái tên Borysthenes (nhanh nhẹn), nó cực kỳ hoạt bát và dẻo dai.

Ngoài công vụ, hoàng đế còn thường xuyên cưỡi Borysthenes từ Alan đi săn. Trong một cuộc đi săn, nó bất hạnh thiệt mạng. Vì quá thương tiếc, hoàng đế đã tổ chức lễ đưa tang nó vô cùng long trọng, sau đó lại xây cho nó một ngôi mộ cực kỳ xa hoa.

Trên bia mộ của Borysthenes từ Alan, Hoàng đế Hadrian cho khắc dòng chữ lưu danh con ngựa muôn thuở theo đúng nghĩa đen: “Đây là Borysthenes từ Alan, con ngựa nhanh nhất từng phi trên nước, băng qua đầm lầy và những ngọn đồi Tuscan - không con lợn rừng nào bị nó truy đuổi lại dám cắn trả bằng hàm răng trắng nhởn - phun nước bọt bắn xa đến tận chót đuôi, tuổi trẻ, tứ chi nguyên vẹn, giờ đây nằm lại trên cánh đồng này”.

Cập nhật: 30/03/2024 GDTĐ
  • 496