TP.HCM: Mưa lốc, đổ cây, ngập đường, cháy thiết bị điện

  •  
  • 274

Trong cơn mưa lốc chiều 28/5, sét đánh làm cháy nhiều đồ điện gia dụng của các hộ dân. Mưa ngập trên nhiều tuyến đường; giao thông tùn tắc nghiêm trọng.

Gió giật trốc gốc cây, 1 người thoát chết

Khoảng 14h, lốc xoáy làm gãy ngọn cây bàng 14 năm tuổi, đường kính 75cm, cao hơn 10m trước quán cà phê giải khát Thúy Hằng (số nhà 80/7 đường Ba Vân, phường 14, quận Tân Bình) làm sập, rách hoàn toàn mái hiên di động của căn nhà này.

Nhánh cây ngã đè làm hư hỏng đường dây điện hạ thế, dây cáp viễn thông và làm mất điện tại khu vực trong thời gian ngắn. Ngay sau đó, nhân viên công ty điện lực Tân Phú và nhân viên của Công ty Công viên cây xanh thành phố đã có mặt tại hiện trường khắc phục sự cố mất điện, cắt hạ luôn cây bàng.

Cùng thời điểm nói trên, cây sọ khỉ cao 14m, đường kính 40cm được Công ty Công viên cây xanh trồng năm 1990 trước số nhà 105 Hòa Hưng (phường 12, quận 10) bị gió quật làm trốc gốc ngã ngang xuống đường. Một người đi đường thoát chết trong gang tấc.


Nhiều cây gãy, đổ do mưa lớn, gió to

Đường ngập sâu, ùn tắc

Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ vào chiều 28/5 tại TP.HCM làm nhiều tuyến đường ngập nước. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tình trạng ngập nặng xảy ra tại khu vực bùng binh Cây Gõ, đường 3/2, Hậu Giang (Q.6)...khu vực được coi là “tâm điểm” ngập. Đặc biệt tại đường Hậu Giang, nước ngập sâu 0,5m khiến nhiều xe hai bánh chết máy.

Tại quận Tân Bình: đường Trương Công Định, Ba Vân, Trường Chinh...nước ngập sâu, lênh láng có nơi đo được đến 50cm. Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông do không phân biệt nổi lòng đường và lề đường đã bị trật bánh xe té ngã. Nước tràn vào nhà dân, nhiều người dân đã phải dùng thau nhựa, xô tạt nước ra ngoài.

Tại giao lộ Ba Vân- Lũy Bán Bích, do mưa kéo dài đến giờ cao điểm buổi chiều, tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông đã xảy ra. Cùng thời điểm đó, trên đường Cộng Hòa, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng tí một, kẹt xe kéo dài khoảng 1,5km. Khu vực vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đường Hùng Vương, vòng xoay Bình Chánh, vòng xoay Bảy Hiền, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)...kẹt xe kéo dài hơn một giờ.

Đèn tín hiệu giao thông “chập mạch”, lực lượng CSGT làm công tác điều tiết, phân luồng thiếu và nhiều người đi xe gắn máy không chấp hành luật giao thông, chạy lên luôn lề đường làm tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng.


Mưa ngập tại đường Trương Công Định (quận Tân Bình)

Sét đánh hỏng thiết bị điện

Cũng trong cơn mưa chiều 28/5, khoảng 14h30, sét đã đánh xuống làm cháy nhiều đồ điện, thiết bị gia dụng của các hộ dân tại hẻm 101 Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú. Nhiều người dân cho biết, vào giờ trên, sét đã đánh trúng cột ăngten viễn thông cao 31m mà Công ty Điện lực Tân Phú đặt trên sân thượng của nhà 101/70 Gò Dầu.

Chị Nguyễn Thị Loan (101/70/8 Gò Dầu) kể chị thấy rất rõ tia lửa điện phát ra từ trụ ăngten này sau hai tiếng nổ rất lớn. Sau đó, kiểm tra lại các thiết bị điện tử trong nhà như tivi, đầu DVD thì đều bị hỏng hóc. Gần đó, chị Nguyễn Thị Phượng (101/70/16 Gò Dầu) cho biết máy bơm nước cũng bị hỏng, không hoạt động.

Anh Nguyễn Ngọc (101/70) nói sau khi sét đánh trúng cột ăngten, 1 tivi 24’’ hiệu Panasonic, 1 đầu DVD GL không hoạt động. Toàn bộ điện tại tầng hai của nhà kế bên cũng bị tắt ngúm. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc (101/72) cho biết, chiếc latop của cháu bà bị hỏng hoàn toàn. Thiệt hại nặng nhất là nhà ông Hoàng Lượng (101/31). Tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD) hiệu Sony 29”, trị giá 28 triệu đồng mà ông mua về dùng chưa được 3 ngày không còn lên hình; 4 máy thêu công nghiệp bị đứt cầu chì...


Trụ ăngten viễn thông của Công ty Điện lực Tân Phú mà người dân hẻm
101 Gò Dầu (quận Tân Phú) cho là nguyên nhân của việc thu hút sét.

Tiếp xúc với đại diện của những hộ dân nói trên, họ cho rằng nguyên nhân làm hư hỏng thiết bị điện tử là do trụ ăngten mà Công ty Điện lực Tân Phú đặt quá cao nhưng không có đường dây tiếp địa đã thu hút sét gây ra.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Trí Dũng, Giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú không đồng ý với cách giải thích nêu trên. Ông Dũng nói việc sét đánh và việc tồn tại trụ ăngten của công ty trên sân thượng nhà 101/70 là hai chuyện khác biệt nhau.

Ông Nguyễn Ngọc cho biết thêm, giữa gia đình ông và phía Công ty Điện lực Tân Phú đã ký hợp đồng thuê vị trí đặt trạm điện thoại di động (BTS) trong thời hạn 5 năm.

Theo hợp đồng này, gia đình ông Ngọc cho phía đối tác thuê 16m2 tại sân thượng để lắp đặt thiết bị, dựng cột ăngten cao 31m, lắp đặt đầu cáp tín hiệu từ cột ăngten đến phòng máy. Để bảo đảm an toàn, phía điện lực khoan thả một tổ hợp cọc (tối đa 4 cọc) trong khuôn viên đất của nhà ông Ngọc và đấu dây tiếp địa đến phòng máy để chống sét.

Thế nhưng, khi nhân viên của Công ty Điện lực Tân Phú xuống thực hiện việc lắp đặt dây tiếp địa thì vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân sống xung quanh vì sợ sóng từ cột ăngten phát ra ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phía điện lực Tân Phú đã liên tiếp phối hợp với chính quyền địa phương thuyết phục người dân chấp thuận cho triển khai dây tiếp địa chống sét cho trụ ăngten nhưng chưa thực hiện được do vị trí tiếp địa (bên ngoài hẻm), đang trong quá trình tranh chấp.

Để bảo đảm an toàn cho công trình và người dân xung quanh, điện lực Tân Phú đã triển khai thực hiện đấu nối tiếp địa cột ăngten vào bulông neo (bulông này được hàn vào cốt thép công trình nhà 101/70).  Tuy vậy, người dân cũng không chấp nhận và một mực yêu cầu phía điện lực Tân Phú phải gỡ bỏ cột ăngten.

Trần Duy

Theo Vietnamnet
  • 274