TPHCM trước nguy cơ ô nhiễm cao

  •  
  • 157

Người đông, xe cộ nhiều, việc cơi nới nhà cửa, đường sá diễn ra khắp nơi, cùng với việc nhiều người còn thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh đã biến môi trường của TP Hồ Chí Minh có chiều hướng xấu đi.

Mỗi ngày, toàn TP thải ra hàng ngàn tấn rác các loại, lượng rác quá nhiều đến mức báo động không còn chỗ để chôn lấp. Nhiều nơi, rác sinh hoạt, chuột chết, thức ăn thừa bị vứt ra đường một cách tùy tiện! Xe cộ nhiều gây nên khói bụi từ sáng đến tối mịt.

Tình trạng đào bới đường sá, cơi nới nhà cửa tại nhiều địa phương đã biến cả TP cứ như một công trường thi công khổng lồ. Chính tình trạng này đã làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước của TP, dẫn đến úng ngập mỗi khi trời đổ mưa, biến đường phố thành sông, suối. Rác bẩn còn là tác nhân gây dịch bệnh cho con người.

Mỗi lần mưa, đường phố lại ngập nước.

Mỗi lần mưa, đường phố lại ngập nước.
(Ảnh: SGGP)

Vào mỗi mùa mưa, chỉ sau vài cơn mưa, TP đã có hàng trăm điểm ngập nước. Tại khu vực Bùng binh Cây Gõ (quận 6) được gọi là cái “rốn” nước của TP, sau mỗi cơn mưa chiều đã ngập tới nửa mét.

Ở quận 11, đường Lãnh Binh Thăng, Tôn Thất Thiệp, Nguyễn Thị Nhỏ nước ngập cao 0,4m - 0,5m; các đường Âu Cơ, Hương Lộ 14, Trương Công Định (quận Tân Bình) tuy không ngập sâu như quận 6, 11 nhưng nước vẫn dâng lên tới 0,3m.

Khu Văn Thánh Bắc (quận Bình Thạnh) nước ngập hơn nửa bánh xe máy. Điều lo ngại nhất đối với người dân là nước dâng tới đâu mang theo ô nhiễm nặng tới đó.

Một trong những điểm gây ra nạn ô nhiễm trầm trọng là các cảng cá, chợ cá và các cơ sở chế biến hải sản nằm trong khu dân cư. Chợ cá Hòa Bình (quận 5) là một trong hàng chục chợ cá ở TP gây mất vệ sinh nhất, đến nay vẫn chưa được cải thiện, dù dân kêu ca rất nhiều.

Con đường phía trước mặt khu nhà lồng bán cá, tôm, nước rửa của các xe lên cá từ khuya vẫn luôn đọng lại thành từng vũng trên mặt đường xói lở, loang lổ, rồi tràn lênh láng ra bên ngoài chợ, sát khu dân cư. Khu vực bán cá trong chợ Bà Chiểu cũng tương tự. Chợ thủy hải sản khô (quận 5) như một bãi phơi cá lớn. Còn tại các chợ Trần Chánh Chiếu, sân cá 50 (quận 6), chợ Mai Xuân Thưởng, chợ cá Xóm Củi, chợ Phạm Văn Hai…, các khu vực bán cá cũng đều bị ô nhiễm bởi nước rửa cá và mùi phế phẩm lưu cữu. Nguyên nhân trước hết là do quy hoạch đầu tư mặt bằng không còn phù hợp với loại hình kinh doanh này.

Thêm vào đó, tại TPHCM, có hơn 100 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải đưa vào diện di dời từ nội thành ra các khu công nghiệp và các nông trường Phạm Văn Cội, Lê Minh Xuân… từ năm 2002 đến 2004. Nhưng đến nay, số doanh nghiệp “ chịu” di dời vẫn còn rất ít.

Các doanh nghiệp chưa di dời đều đưa ra lý do là thiếu vốn và chưa tìm được địa điểm phù hợp. Có đơn vị đã có đất, muốn dời đến, nhưng địa điểm không đúng với quy định của Sở Quy hoạch kiến trúc. Do vậy, chính quyền TP cần có kế hoạch “làm sạch” đầy quyết tâm kết hợp với tuyên truyền sân rộng nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của mỗi người dân, mới mong môi trường TP sớm được cải thiện lành mạnh.

NGUYÊN HẢI

Theo Sài Gòn Giải Phóng
  • 157