Trả lại cuộc sống cho bệnh nhân khuyết sọ

  •  
  • 7.443

Trong tất cả các loại chấn thương thì chấn thương sọ não thường dễ để lại những hậu quả nặng nề, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân sống sót nhưng có các ổ khuyết xương sọ, nhu mô não bên trong chỉ được bảo vệ bằng một lớp da và tổ chức phần mềm mỏng ở bên ngoài. Thêm vào đó tai nạn lao động, bệnh lý xương sọ như u xương sọ, di chứng của vết thương chiến tranh và sau các phẫu thuật điều trị bệnh lý não cũng tạo ra một số lượng bệnh nhân không nhỏ. Sự thiếu hổng hộp so gay ra "Hội chứng huyết sọ" bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, gây tâm lý lo sợ khi lao động, sinh hoạt vì luôn phải tìm cách tránh va chạm với những vật cứng, làm cho bệnh nhân ngại tiếp xúc với mọi người vì lý do thẩm mỹ.

Với các ổ khuyết sọ lớn, cấu trúc não bộ bên dưới có thể bị biến đổi, qua đó ảnh hưởng tới chức năng của não. Hơn nữa, việc luôn mang theo mình ổ khuyết sọ, khiến cho bệnh nhân mặc cảm và khó khăn trong hội nhập với cộng đồng.

Các nghiên cứu đã được công bố trong 10.466 bệnh nhân chấn thương sọ não điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy số bệnh nhân từ 18 đến 35 tuổi chiếm hơn 60%, tỷ lệ nam trên nữ là 4,64. Đối với các bệnh nhân có độ tuổi từ 18 tới 50 chiếm tới 72%. Như vậy, hầu hết các nạn nhân chịu chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ở Việt Nam là trẻ và ở độ tuổi đang làm việc. Hậu quả của tai nạn giao thông không những ảnh hưởng tới bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng rất nặng nề tới toàn xã hội.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng và tìm ra các phương pháp hiệu quả về kinh tế và công nghệ để chế tạo các mảnh ghép thay thế xương sọ, luôn là một việc làm hết sức cần thiết, giúp bệnh nhân khuyết sọ hòa nhập được với cộng đồng.

Những giải pháp kỹ thuật đã áp dụng

Phương pháp điều trị truyền thống cho bệnh nhân khuyết sọ trước đây là phẫu thuật dùng các mảnh vật liệu có sẵn làm bằng tantalium, titanium, acrylic, polyethylene, silicone, ceramics và gần đây là vật liệu tổ hợp carbon "intost-2" để che phủ ổ khuyết. Một phương pháp khác hiện nay cũng đang được áp dụng ở Bệnh viện Trung Ương quân đội 108 là chế tạo mảnh ghép (nặn bằng tay) bằng xi măng nha khoa (duracry) ngay sau khi bộc lộ vùng ổ khuyết. Trong 4 năm qua, các bác sĩ ở đây đã tiến hành phẫu thuật cho hơn 60 bệnh nhân, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. Ưu điểm của phương pháp dùng mảnh vật liệu là: Mảnh khuyết sọ được chế tạo ngay tại chỗ. Tuy nhiên phương pháp này có một số nhược điểm là:

- Không thể chế tạo được những mảnh khuyết lớn, ở những vùng phức tạp như vùng cung mày, hốc mắt;

- Vì là nặn bằng tay trên một số trường mổ hẹp nên mảnh ghép không nhẵn nhụi, tính thẩm mỹ không cao. Nếu dùng các mảnh vật liệu có sẵn thì tính thẩm mỹ thấp vì độ cong của chúng khác với độ cong thực tế của hộp sọ bệnh nhân. Rìa của mảnh ghép không thể nào khít với ổ khuyết xương sọ;

- Việc tạo hình ảnh ghép trong thời gian ngắn phẫu thuật sẽ làm tăng thời gian điều trị. Hơn nữa, do mảnh ghép được tạo hình và tiệt trùng trong thời gian ngắn, đặc biệt khi sử dụng vật liệu polymer hóa như PMMA, những yếu tố này sẽ làm giảm tính tương đồng sinh học và tuổi thọ của mảnh ghép;

- Chỉ sử dụng được những vật liệu sinh học giản đơn và dễ chế tạo hình bằng tay. Đối với những vật liệu có tính tương đồng sinh học cao như Titanium, vật liệu có nguồn gốc từ Hydroxy-Apatite, sẽ rất khó khăn, và trong hầu hết các trường hợp là không thể tạo hình được trong thời gian phẫu thuật.

Phẫu thuật bằng phương pháp cũ có nhiều rủi ro

Trường hợp của bệnh nhân Trần Thị T, sinh 16/05/1956, đã phẫu thuật lấy bỏ u lao vùng đỉnh - chẩm trái ngày 25/08/1998, sau đó lắp mảnh mica để che phủ ổ khuyết. Hiện tại mảnh ghép không khít với phần xương sọ còn lại. Khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa, nóng lạnh quá mức, có bão hoặc khi trời sắp mưa thường bị tăng áp lực nội sọ, vùng mảnh ghép phồng lên, căng cứng như săm xe và bệnh nhân có hiện tượng nôn vọt. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân bị mất trương lực cơ, mất ngôn ngữ và mất ý thức, hoàn toàn không có khả năng nhận biết. Nếu không xử lý thì sẽ lên cơn động kinh toàn cơ thể, co giật toàn thân. Sau khi điều trị ổn định, để hồi phục lại chức năng như trạng thái ban đầu phải mất ít nhất từ 2 đến 3 tháng. Để khắc phục tình trạng này, người nhà bệnh nhân phải học cách điều trị, luôn theo dõi chặt chẽ bệnh nhân để phòng cơn.

Công nghệ y sinh học chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Công nghệ y sinh học (Biomedical Engineering) là một lĩnh vực đa ngành, đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, công nghệ thông tin, cơ khí, phẫu thuật,... Công nghệ y sinh học bao gồm việc thiết kế, chế tạo mô hình y học, các công cụ trợ giúp phẫu thuật, các bộ phận cấy ghép cho cơ thể con người, các giải pháp phần cứng và phần mềm giúp cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh được chính xác và hiệu quả.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm Kỹ thuật y sinh học gồm các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và Y học được thành lập và hoạt động hiệu quả, mục tiêu áp dụng những công nghệ cao trên thế giới về tạo hình, xử lý ảnh, đồ họa, thiết kế và chế tạo vào việc nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh tại Việt Nam.

Từ năm 1999 tới nay, Khoa chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện 108 được trợ giúp đắc lực về Công nghệ y sinh học của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Chính phủ Bỉ, thông qua Đại học tổng hợp Thiên chúa giáo Leuven (giáo sư Jos Vander Sloten) và sự tích cực trong chuyển giao và triển khai ứng dụng Công nghệ y sinh học tại Việt Nam của TS Lê Chí Hiếu, Đại học tổng hợp Cadiff, Vương quốc Anh. Hiện nay, bệnh viện 108 đã tổ chức thành công một đội ngũ chuyên gia thuộc lĩnh vực khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thần kinh, công nghệ thông tin và cơ khí, để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và cấy mảnh ghép cho bệnh nhân khuyết sọ, sao cho phù hợp với điều kiện và nguồn lực con người và công nghệ tại Việt Nam.

L.Khanh - Medinfo

Theo Xã hội thông tin
  • 7.443