Lõi Trái Đất rất nóng, đúng hay sai? Bạn hãy đo độ am hiểu cơ bản qua bài trắc nghiệm kiến thức khoa học dưới đây.
Cứ hai năm một lần, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) được yêu cầu báo cáo tổng thống tiến độ về khoa học và kỹ thuật của đất nước, theo Business Insider.
Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của NSF, so với các năm trước, người Mỹ đang bày tỏ mối quan tâm nhiều hơn về biến đổi khí hậu và vai trò của con người. Tuy nhiên, xứ sở cờ hoa xếp sau hàng chục quốc gia về tỷ lệ bằng cấp đại học và sau đại học ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học hoặc kỹ thuật.
Dân Mỹ cũng không trả lời xuất sắc 10 câu hỏi kiểm tra đơn giản về kiến thức khoa học khi so sánh câu trả lời với các nước khác. Dưới đây là 10 câu hỏi NSF sử dụng trong khảo sát mới nhất.
Câu 1: Lõi Trái Đất rất nóng. Đúng hay sai?
Câu 2: Các lục địa dịch chuyển vị trí trong hàng triệu năm qua và sẽ tiếp tục dịch chuyển. Đúng hay sai?
Câu 3: Phát biểu nào sau đây là chính xác?
Câu 4: Mọi hiện tượng phóng xạ đều do con người tạo ra. Đúng hay sai?
Câu 5: Electron nhỏ hơn nguyên tử. Đúng hay sai?
Câu 6: Laser hoạt động bằng cách tập trung vào sóng âm, đúng hay sai?
Câu 7: Vũ trụ bắt đầu từ một vụ nổ lớn. Đúng hay sai?
Câu 8: Gene của người bố quyết định giới tính thai nhi. Đúng hay sai?
Câu 9: Kháng sinh diệt được cả virus lẫn vi khuẩn, đúng hay sai?
Câu 10: Loài người mà chúng ta biết đến ngày nay phát triển từ các loài động vật trước đây.
Câu 1: Đúng. Các nhà khoa học ước tính nhiệt độ ở lõi Trái Đất cao hơn 10.000 độ F, gần bằng nhiệt độ trên bề mặt của Mặt Trời.
Câu 2: Đúng. Kiến tạo mảng mô tả cách chuyển động và tái sinh của các thạch quyển - lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái Đất. Hầu hết mảng kiến tạo dịch chuyển khoảng vài inch mỗi năm, theo Pacific Northwest Seismic Network. Điều này cần thiết cho sự sống của hành tinh đất đá như Trái Đất.
Câu 3: Đáp án là A. Chúng ta biết Trái Đất quay quanh Mặt Trời dựa trên việc quan sát thấy các ngôi sao trên bầu trời thay đổi vị trí theo thời gian. Trong thời đại không gian ngày nay, con người có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về sự tồn tại của mình trong vũ trụ bao la, thông qua hình ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách rất xa.
Câu 4: Sai. Hiện tượng phóng xạ tự nhiên diễn ra ở mọi nơi, đặc biệt là trong không gian. Một lượng nhỏ chất phóng xạ có trong đất, nước và thực vật. Ngay cả lượng kali tìm thấy trong chuối cũng có tính phóng xạ.
Câu 5: Đúng. Electron nhỏ hơn rất nhiều so với proton và neutron - hai thành phần tạo nên hạt nhân nguyên tử.
Câu 6: Sai. Laser tập trung vào sóng ánh sáng, không phải sóng âm.
Câu 7: Vụ nổ lớn (Big Bang) là lý thuyết tốt nhất mà chúng ta có về cách tạo ra các thiên hà, hành tinh, ngôi sao trong vũ trụ, dù về bản chất nó không phải vụ nổ thực sự.
“Để một vụ nổ xảy ra, nó đòi hỏi không gian tồn tại từ trước và vật chất sẽ được phân tán trong không gian đó. Chẳng hạn, một ngôi sao nổ và rải vật chất khắp không gian. Vụ nổ Big Bang lại rất khác biệt. Đó là sự mở rộng của chính không gian. Vật chất (hạt sơ cấp, phản hạt) được tạo ra trong quá trình mở rộng. Do vậy, việc gọi nó là vụ nổ, về bản chất là sai”, Nabin Rijal, nghiên cứu sinh về vật lý học thiên thể của Đại học bang Florida cho biết.
Câu 8: Đúng. Tinh trùng mang một trong hai nhiễm sắc thể: X hoặc Y. Bất kỳ tinh trùng nào gặp trứng đầu tiên sẽ kết hợp với một nhiễm sắc thể X từ trứng và xác định nên giới tính. (XX là nữ và XY là nam, xét về mặt giải phẫu).
Câu 9: Sai. Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus.
Câu 10: Đúng. Các hóa thạch và nghiên cứu về di truyền trong thế kỷ qua đã cho thấy quá trình tiến hóa không chỉ giúp tạo ra loài người mà còn tiếp tục định hình cho hậu duệ của chúng ta.