Giới chuyên gia cảnh báo Trái đất đang trở thành một nơi ngày càng nguy hiểm và khó sống hơn với các thế hệ tương lai khi nồng độ carbon dioxide tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua.
Theo báo Usa Today, nồng độ khí carbon dioxide (CO2) - loại khí là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, còn gọi là khí nhà kính, trong tháng 4 năm nay đã vừa đạt tới mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua.
Nồng độ carbon dioxide tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua - (Ảnh: GETTY).
Cụ thể, nồng độ CO2 tính theo thể tích đã vọt lên mức 410 ppm, có nghĩa là trong 1m3 không khí có 410mg CO2.
Theo dữ liệu theo dõi của Viện Hải dương học Scripps, nồng độ trung bình của khí CO2 trong không khí đo được trong tháng 4 vừa qua cũng tăng 30% so với nồng độ CO2 của không khí toàn cầu kể từ thời điểm người ta bắt đầu đo lường nồng độ này năm 1958.
Cũng theo Viện Scripps, trước khi bắt đầu giai đoạn Cách mạng Công nghiệp, lượng CO2 cũng dao động ở nhiều mức cao, song chưa bao giờ vượt quá mốc 300 ppm.
Ông Ralph Keeling - chuyên gia có thời gian theo dõi lâu nhất về nồng độ CO2 trên Trái đất của Viện hải dương học Scripps giải thích: "Chúng ta vẫn tiếp tục đốt các nhiên liệu hóa thạch. CO2 vẫn tiếp tục tích tụ vào không khí. Về cơ bản mọi chuyện đơn giản là thế".
Bà Katharine Hayhoe - nhà khoa học thời tiết thuộc Đại học Công nghệ Texas, bày tỏ lo ngại: "Điều khiến tôi lo lắng nhất không phải vì chúng ta vừa vượt qua một cột mốc nữa, mà chính là xu hướng tiếp tục tăng lên đó có nghĩa chúng ta vẫn đang tiếp tục giữ nguyên xi tốc độ tiến về phía trước với một trải nghiệm chưa từng có tiền lệ trên hành tinh của mình, ngôi nhà duy nhất chúng ta có".
Tổ chức Khí tượng học Thế giới cho rằng việc tăng thêm các loại khí như carbon dioxide, methane và nitrous oxide (N2O) đang làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu và khiến "hành tinh của chúng ta trở nên nguy hiểm và không thể ở được với các thế hệ tương lai".