Trái đất đang nóng dần lên, có năm phá vỡ nhiều kỷ lục. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại.
Những năm vừa qua, nền nhiệt trên Trái đất đã phá vỡ nhiều kỷ lục. Mùa đông lạnh đến kinh hoàng, mùa hè nóng rực lửa thiêu đốt, con người đã phải chịu cực khổ biết bao nhiêu.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại đâu. Theo một nghiên cứu mới đây, khả năng rất lớn là trong những năm kế tiếp, Trái đất của chúng ta sẽ còn nóng hơn nữa. Đồng thời, nguy cơ có những đợt sốc nhiệt ở đâu đó trên các đại dương, khiến băng tan và hủy diệt san hô cũng sẽ tăng đột biến.
"Có vẻ như 5 năm kế tiếp, nhiều khả năng sẽ có những đợt nóng và lạnh cực đoan liên tục xuất hiện" - trích lời Florian Sevellec, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp và là đồng tác giả của nghiên cứu.
Khả năng rất lớn là trong những năm kế tiếp, Trái đất của chúng ta sẽ còn nóng hơn nữa.
Thế nào là Trái đất nóng lên?
Trước tiên, cần phải hiểu rằng Trái đất đang nóng lên là điều có thực, nhưng điều đó không có nghĩa rằng năm sau sẽ nóng hơn năm trước. Chính xác thì đó là một xu hướng tính theo cả một thập kỷ - như giai đoạn sau 2010 sẽ nóng hơn giai đoạn trước đó. Và ngoài ra, sẽ có những năm cụ thể mang mức nhiệt được đánh giá là đỉnh điểm.
Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá nhiệt độ đối với các nhà khoa học là "biến số nội tại" - những thay đổi do chính Trái đất gây ra, chứ không hẳn là đến từ lượng khí nhà kính.
Ví dụ trong những năm 2000, quá trình Trái đất nóng lên đã bị gián đoạn bởi những biến số nội tại. Chẳng hạn như quá trình dao động nhiệt trong lòng đại dương đã giữ Trái đất không bị tăng nhiệt độ quá nhiều.
Nhưng theo nghiên cứu mới này, các biến số nội tại giờ đang làm công việc ngược lại, tức là các chuỗi phản ứng của Trái đất đang khiến tốc độ nóng lên nhanh hơn, kể cả khi chúng ta không còn sản sinh ra khí nhà kính.
Các chuỗi phản ứng của Trái đất đang khiến tốc độ nóng lên nhanh hơn.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Southampton (Anh Quốc) đã sử dụng dữ liệu từ hơn 10 mô hình biến đổi khí hậu. Trong đó, họ sử dụng rất nhiều biến số tự nhiên và con người, rồi dùng giả lập để xem chúng sẽ thay đổi thế nào trong những năm kế tiếp.
Kết quả, mô hình nhận định rằng sẽ có 58% khả năng nền nhiệt tổng thể của Trái đất từ 2018-2022 sẽ tăng đột biến. Với các đại dương, khả năng sốc nhiệt sẽ là 69%, với mức nhiệt tăng lên sẽ rơi vào khoảng 400% so với hiện tại.
Ở năm 2018, khí hậu của Trái đất cũng cho thấy xu hướng nóng hơn. Dù chưa chạm đến ngưỡng kỷ lục, nhưng cũng đứng thứ 3 trong số các năm nóng nhất khi so với giai đoạn 1951-1980.
Dĩ nhiên, lúc này vẫn còn quá sớm để nói về xu hướng cụ thể của cả năm. Theo dữ liệu của NASA, 2016 là năm nóng nhất lịch sử ghi nhận, theo sau là năm 2017, 2015 và 2014. Nhưng dù sao, đây vẫn là một nghiên cứu đáng lo ngại, và khiến giới khoa học phải nhìn nhận một cách thực tế hơn về quá trình khí hậu Trái đất nóng lên.