Trái đất lọt giữa một quái vật lớn gấp 20 lần "dải Ngân Hà"

  •  
  • 3.752

Thứ Trái đất thuộc về không chỉ là dải Ngân Hà, mà còn là một con "quái vật" trong thế giới thiên hà tầm vóc cực khủng khiếp.

Dải sáng chúng ta vẫn nhìn thấy trên bầu trời và gọi là "dải Ngân Hà" từng được cho là toàn bộ thiên hà chứa Trái đất mang tên Milky Way, tức Ngân Hà.

Đó là một thiên hà xoắn ốc với đĩa ánh sáng đường kính hoảng 100.000 năm ánh sáng, thuộc tầm cỡ "quái vật" trong thế giới thiên hà và đã đạt được kích thước đáng gờm này nhờ nuốt chửng nhiều thiên hà khác.

Thế nhưng, các nghiên cứu những năm gần đây dần chứng minh cái gọi là Ngân Hà thực ra mang tầm vóc lớn hơn nhiều với những cấu trúc mở rộng đến khó tin bên ngoài quầng sao được gọi là "dải Ngân Hà" mà chúng ta vẫn thấy.

Quầng Halo
Ngân Hà không chỉ là "dải Ngân Hà" trong tưởng tượng của chúng ta, thứ có dạng một chiếc đĩa mỏng, rực sáng vì dày đặc sao, mà còn được bao bọc bởi quầng halo gồm 2 lớp trong - ngoài, có thể khiến đường kính thực của toàn bộ thiên hà lên tới 2 triệu năm ánh sáng - (nh: UCSC/NASA/ESA/STScI).

Một trong những thứ bí ẩn đó là quầng halo, tức vầng hào quang bao vây đĩa ánh sáng chính. Nghiên cứu vừa công bố bởi Trường Đại học California ở Santa Cruz (UCSC - Mỹ) đã chỉ ra thêm một điểm bất ngờ: Ở đó không chỉ có hào quang.

Theo Sci-News, nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu từ nhiệm vụ khảo sát cụm Virgo thế hệ tiếp theo (NGVS), được thực hiện nhờ kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii (CFHT) và xác định được 208 ngôi sao biến quang không nằm trong đĩa sao chính, mà nằm trong quầng halo.

Sốc hơn, chúng có khoảng cách xa đến kinh ngạc, với khoảng cách tính từ trung tâm Ngân Hà lên tới 65.000 đến 1,05 triệu năm ánh sáng.

Điều này cho thấy, nơi cư trú của các ngôi sao trong Ngân Hà phải là một đĩa có đường kính lên tới 2 triệu năm ánh sáng, cho dù chỉ có phần giữa đĩa dày đặc sao hơn phần xung quanh nhiều là có thể nhìn thấy dưới dạng một dải sáng từ Trái đất, hay một đĩa ánh sáng nếu quan sát từ một hành tinh thuộc thiên hà khác.

Dữ liệu này cũng đem đến thông tin quý giá về vầng hào quang, một cấu trúc rất mờ, gần như vô hình nên khó để quan sát.

"Chúng tôi có thể sử dụng những ngôi sao biến quang này để làm công cụ theo dõi đáng tin cậy nhằm xác định khoảng cách. Quan sát của chúng tôi xác nhận các ước tính lý thuyết về kích thước của vầng hào quang" - TS Yuting Feng của UCSC, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Với kết quả này, Ngân Hà đầy đủ phải có đường kính tới 2 triệu năm ánh sáng. Như vậy, nó dường như tỏa rộng tới thiên hà khổng lồ lân cận là Tiên Nữ (Andromeda).

Có thể hai thiên hà này không hề có khoảng cách bởi Tiên Nữ cũng là một thiên hà thuộc dạng "quái vật", có thể cũng sở hữu quầng halo rộng mở như Ngân Hà.

Điều này cho thấy Ngân Hà và Tiên Nữ - hai "quái vật" dự kiến sẽ va chạm nảy lửa vào 2 triệu năm tới - thực ra có thể đã chạm vào nhau trong hiện tại. Hai tỉ năm tới chỉ là khoảng cách để 2 đĩa chính sáng rực tiếp cận được nhau.

Cả hai thiên hà Ngân Hà và Tiên Nữ đều từng nuốt chửng nhiều thiên hà nhỏ khác và bình yên lớn lên, đạt kính thước thuộc hàng khổng lồ trong thế giới thiên hà cho đến nay. Tuy nhiên, cú va chạm của chúng dự kiến sẽ gây thiệt hại lớn cho cả hai, bởi cùng khổng lồ như nhau, trong đó Trái đất được dự báo có nguy cơ văng khỏi "vùng sự sống" của Hệ Mặt trời.

Cập nhật: 13/08/2024 NLĐ
  • 3.752