Bí mật xung quanh những cảm giác của con người khi hấp hối, đến gần với cái chết sẽ được hé lộ…
Người ta thường nói, những người đến gần với cái chết sẽ thấy được rất nhiều điều. Nếu là người tốt, khi hấp hối sẽ được gặp thiên thần áo trắng hay đứng trước đường hầm ánh sáng dẫn tới thiên đường. Nếu là người xấu, khi sắp chết sẽ thấy thần chết và quỷ dữ lơ lửng xung quanh, chỉ chờ chực kéo xuống địa ngục. Cùng tìm hiểu sự thực về “trải nghiệm cận chết” qua nghiên cứu dưới đây.
Trải nghiệm cận chết (near-death experiences hay NDE) là danh từ khoa học chỉ những cảm giác cá nhân, điều mà người sắp chết nhìn thấy, nghe thấy và cho rằng đó là hiện thực.
Mặc dù phần lớn chúng ta đều ít biết tới những trải nghiệm này, bởi đơn giản chúng chỉ xuất hiện khi con người hấp hối, nhưng vẫn có những trường hợp hiếm hoi sống sót qua trải nghiệm này. Lời kể của họ được coi là những căn cứ mở ra nghiên cứu khoa học xung quanh vấn đề này.
Đầu tiên, ta có thể kể tới trường hợp của tiến sĩ Georgre G. Ritchie. Năm 20 tuổi, ông bị sốt rất cao nhưng may mắn sống sót. Ông đã cận kề với cái chết và khi tỉnh lại, ông đã nói về những trải nghiệm vô cùng kỳ lạ của mình.
Georgre Ritchie - chàng sĩ quan trẻ từng trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết khi mới 20 tuổi.
Georgre kể rằng, ông đã gặp chúa Jesus tới an ủi ông, cho ông chiêm ngưỡng lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời ông. Theo Georgre, ông cảm thấy mình không còn ở Trái đất mà ở một thành phố tràn đầy ánh sáng.
Mark Kirk (phải) phục hồi sức khỏe sau khi giáp mặt thiên thần trong cơn đột quỵ.
Hay như câu chuyện của thượng nghĩ sĩ bang Illinois, Mỹ tên Mark Kirk. Năm 2012, Mark bất ngờ rơi vào một cơn đột quỵ. Trên giường bệnh, ông quả quyết mình đã có một trải nghiệm cận chết - đó là gặp gỡ thiên thần.
Mark nói, ông đã thấy trước mắt một đường hầm chói lòa và có ánh sáng. Khi đó, một thiên thần bước tới và hỏi ông: “Ông có muốn đến với thế giới của chúng tôi?”. Mark trả lời “Không” và sau trải nghiệm đó, ông đã hồi phục lại sức khỏe bình thường.
Những nhân chứng như ở trên đã giúp các nhà khoa học dần dần tiếp cận “trải nghiệm cận chết”. Từ đó, các chuyên gia đã khái quát bí ẩn khó nắm bắt này với ba đặc điểm chính.
Thứ nhất, “trải nghiệm cận chết” gắn liền với hình ảnh ánh sắng trắng, chói mắt. Thứ hai, người trải qua cảm giác này đều thấy mình như một linh hồn rời ra khỏi cơ thể. Thứ ba, “trải nghiệm cận chết” mang màu sắc cá nhân cao.
Tính cá nhân được thể hiện ở điểm không “trải nghiệm cận chết” nào giống nhau hoàn toàn. Thông thường, tùy vào niềm tin tôn giáo, kiến thức và thái độ sống mà mỗi người sẽ gặp phải những hình ảnh khác nhau trong trải nghiệm cuối đời này. Một số mô-típ thường gặp là chạm trán các linh hồn, thiên thần hay ác quỷ, bước vào đường hầm, cảm nhận những khoảnh khắc đã qua của cuộc đời…
Tuy nhiên, không phải ai cũng được trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết. Tại Mỹ, một cuộc thăm dò dư luận năm 1982 chỉ ra rằng, chỉ 15% dân số ở đây đã từng trải qua chuyện này.
Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Kenneth Ring, “trải nghiệm cận chết” có tác động tích cực tới những ai vượt qua nó mà sống sót. Những người đó sẽ trở nên tự tin, hướng ngoại và có thái độ sống tích cực hơn cũng như tăng cường niềm tin vào tôn giáo, tâm linh.
Hiện nay, trên thế giới có hai cách giải thích cơ chế của “trải nghiệm cận chết”: theo tôn giáo và khoa học. Các lý thuyết tôn giáo cho rằng, con người có linh hồn. Khi người ta sắp qua đời, linh hồn tách ra khỏi cơ thể, đi tới thế giới bên kia - một chiều không gian khác thông qua nhưng đường hầm ánh sáng. Trước đó, linh hồn có khả năng đặc biệt là trải nghiệm lại tất cả những gì đã từng xảy ra khi còn sống.
Lý thuyết khoa học không cho rằng như vậy. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, “trải nghiệm cận chết” là một hiện tượng sinh lý tự nhiên phức tạp chứ không hoàn toàn là tâm linh.
Bằng chứng rõ nhất là trong y tế, bệnh nhân sử dụng thuốc có ketamine hay PCP đều có thể trải qua tình trạng tương tự. Nhiều bệnh nhân còn tưởng mình đã chết thật khi đang điều trị bằng các hóa chất trên.
Cơ chế gây ra “trải nghiệm cận chết” nằm ở hoạt động của não bộ. Con người thực ra nhìn, cảm nhận đều bằng não, các giác quan chỉ tiếp nhận tín hiệu từ bên ngoài mà thôi. Do đó, khi sắp qua đời, những bộ phận, giác quan cơ thể trở nên yếu đi, khiến con người dễ dàng rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mê.
Trạng thái đó cùng với việc não thiếu oxy là nguyên nhân khiến vì sao con người trải qua những hình ảnh tưởng tượng, mơ hồ không rõ thực hư. Thêm vào đó, đối với những người bị chấn thương, lượng hormone endorphin tiết ra càng nhiều, chính là nguyên nhân trực tiếp của những ảo giác ta thấy.
Endorphin được coi là hormone giảm đau của cơ thể, giống như một loại thuốc phiện do chúng ta tự sản sinh. Chúng gây ức chế thần kinh, tạo ra nhiều hình ảnh siêu thực trong não bộ. Do đó, việc những người sắp chết thường nhìn thấy những hình ảnh lạ trong tiềm thức cũng như được gặp thiên thần, chúa trời cũng là điều dễ hiểu.
Tạm kết: Trải nghiệm cận chết” là một đề tài hấp dẫn và có sức hút lớn với nhiều nhà nghiên cứu. Hiện nay, khoa học mới chỉ tiếp cận và giải thích được một phần nổi của những cảm giác ấy. Hy vọng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ sớm giải đáp được câu hỏi về cái được gọi là thiên đường, địa ngục, thiên thần hay ác quỷ…