Trạm này có thể phân tích và cho kết quả ngay đối với các chất độc hữu cơ, các chất ôxy hòa tan, phân tích PH, độ axit, độ kiềm của nước thải.
Tại hội thảo “thực trạng nước thải công nghiệp tại Việt Nam và các kỹ thuật giám sát nước thải bằng trạm phân tích di động” do trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức sáng 18/11, Phó giáo sư Bùi Duy Cam, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chủ nhiệm dự án hợp tác Việt - Đức về xử lý nước thải công nghiệp, cho biết: Trạm phân tích nước thải di động này hoạt động như một phòng thí nghiệm.
Mô hình trạm phân tích nước thải di động đầu tiên ở Việt Nam được ông Cam giới thiệu tại hội thảo
"Các thiết bị phân tích tình trạng ô nhiễm trong nước thải được bố trí lắp đặt trong thùng xe container và sẽ cho kết quả phân tích mức độ ô nhiễm nước thải ngay lập tức", ông Cam cho biết.
Các thiết bị và mô hình trạm phân tích nước thải di dộng này đều thuộc dự án hợp tác giữa phía Việt Nam và Đức trong giai đoạn 2012-2014 với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 2,5 triệu euro.
Vừa qua, thiết bị phân tích nước thải công nghiệp được lắp đặt trong container đã được thí điểm tại một số nhà máy ở khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), đã được Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá tốt.
“Thiết bị phân tích nước thải di động sẽ giúp cho các cơ quan khi kiểm tra có những đánh giá nhanh và kết quả nhanh. Đơn giản chỉ cần kéo theo trạm này đến các khu công nghiệp, khi đưa mẫu nước vào sẽ có kết quả và số liệu phân tích trong ít phút”, ông Cam nói.
Theo ông Cam, đây là trạm phân tích nước thải di dộng đầu tiên ở Việt Nam. Toàn bộ dự án và các trang thiết bị đều đã được phía Đức bàn giao cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên.