Trăn cố gắng siết chết hổ mang chúa, trong khi con rắn cắm răng nanh vào cổ đối phương để tiêm nọc độc mạnh của mình.
Chúng bắt đầu trận chiến từ trong bụi rậm, sau đó kéo nhau ra vệ đường.
Anoochit Preecha chứng kiến cuộc giằng co quyết liệt giữa hổ mang chúa và trăn tại thành phố Nakhon Si Thammarat, miền nam Thái Lan, hôm 9/12. "Một con chiến đấu để giữ mạng, con còn lại đang muốn thỏa mãn cơn đói. Tôi thật may mắn khi chứng kiến một cảnh tượng hiếm như vậy", Preecha chia sẻ.
Chúng bắt đầu trận chiến từ trong bụi rậm, sau đó kéo nhau ra vệ đường. Trăn quấn cơ thể dày và nặng của mình quanh hổ mang chúa, cố gắng siết chặt đối thủ. Đồng thời, con vật với nọc độc chết chóc cũng đã cắm răng nanh vào cổ trăn.
Thông thường, trăn hạ gục con mồi bằng cách siết chết, trong khi hổ mang tấn công vào phần cổ để tiêm chất độc cực mạnh của chúng. Trong trường hợp này, hổ mang chúa đã trụ vững đủ lâu để chất độc làm yếu trăn, khiến nó nới lỏng vòng siết. Sau khi trăn chết, nó dần dần bị kẻ đi săn nuốt chửng.
Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới, con trưởng thành có thể dài tới hơn 5,5 m. Loài vật này phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Nọc độc của chúng chứa lượng lớn độc tố thần kinh, có thể gây chết người sau một nhát cắn.
Hổ mang chúa thường xuyên ăn thịt các loài rắn khác, kể cả rắn độc lẫn không độc. Ngoài ra, chúng cũng ăn thằn lằn, trứng và một số động vật có vú nhỏ. Một số loài trăn rắn, bao gồm hổ mang chúa, có thể ăn thịt đồng loại khi xung đột về thức ăn hoặc lãnh thổ.