Nghiên cứu về tác động của việc cai sữa sớm sẽ là chìa khóa tuyệt vời giúp các bậc phụ huynh trong việc cải thiện giấc ngủ cho trẻ, giúp chúng ngủ sâu hơn và hạn chế thời gian thức giấc giữa chừng.
Theo phát hiện mới đây của các nhà khoa học King's College và Đại học London, Anh, việc cho trẻ cai sữa sớm và ăn thức ăn đặc từ trước 6 tháng tuổi giúp những đứa bé đạt được giấc ngủ sâu hơn và ít thức giấc vào ban đêm.
Cai sữa sớm giúp trẻ đạt được giấc ngủ sâu hơn và ít thức giấc vào ban đêm.
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học muốn kiểm chứng giả thuyết xem liệu chế độ ăn của trẻ có ảnh hưởng đến mô hình ngủ của chúng không. Và kết quả khá bất ngờ khi họ phát hiện thấy, trẻ em cai sữa sớm không có bất kỳ vấn đề gì với giấc ngủ so với những đứa trẻ vẫn bú sữa đều đặn trong 6 tháng đầu.
Phát hiện này gần như đi ngược lại với những tuyên bố trước đây về việc trẻ sơ sinh chỉ nên bắt đầu ăn thức ăn đặc sau khi chúng đạt 6 tháng tuổi trở lên.
Theo AFP, nghiên cứu trên được thực hiện trên hơn 1.303 đứa trẻ trong khoảng 3 tháng tuổi ở Anh và xứ Wale trong giai đoạn giữa năm 2009 và 2012.
Một bên, cha mẹ của những đứa trẻ được khuyến khích cho trẻ ăn những thức ăn đặc như cá hoặc lúa mì trước 6 tháng tuổi. Trong khi nửa còn lại vẫn cho trẻ bú sữa mẹ bình thường tới 6 tháng tuổi.
Các bậc phụ huynh sẽ phải trả lời bảng câu hỏi cho đến khi con họ tròn 12 tháng tuổi và sau đó tiếp tục 3 tháng/lần cho đến khi đứa trẻ được 3 tuổi. Những câu hỏi bao gồm mức độ thường xuyên hoặc thời gian em bé bú sữa mẹ, ngủ và tần suất ăn.
Những đứa trẻ được cho ăn thức ăn đặc ngủ gần 2h/tuần vào ban đêm và ít tỉnh giấc vao ban đêm hơn.
Số liệu thống kê cho thấy, những đứa trẻ sơ sinh ăn thức ăn đặc sớm trước 6 tháng tuổi có số lần thức dậy vào ban đêm trung bình giảm từ 2,01 xuống 1,74 lần. Bên cạnh đó, thời gian ngủ của nhóm trẻ này cũng cao hơn 16,6 phút mỗi đêm khi đạt 6 tháng tuổi.
Nhóm nghiên cứu phát hiện sự khác biệt giữa hai nhóm trở nên rõ ràng hơn khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Những đứa trẻ được cho ăn thức ăn đặc ngủ gần 2h/tuần vào ban đêm và ít tỉnh giấc vao ban đêm hơn. Mặc dù kết quả không quá khác biệt nhưng đây là một phát hiện đáng chú ý về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
Kết luận nghiên cứu, nhóm tác giả khẳng định: "Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, việc cho trẻ ăn thức ăn đặc sớm có liên quan đến thời gian ngủ lâu hơn và ít thức giấc giữa đêm của trẻ, đồng thời giảm đáng kể các vấn đề liên quan đến giấc ngủ".
Các chuyên gia cho rằng, một số loại thực phẩm mà cha mẹ có thể làm cho trẻ ăn từ sớm như khoai tây, khoai lang nghiền nát hoặc cà rốt. Khác với ăn dặm vốn chỉ sử dụng các loại thức ăn được xoay nhuyễn hoặc loãng để hệ tiêu hóa của trẻ dần thích nghi, thức ăn đặc bao gồm những món ăn được làm đặc hơn hoặc rau củ luộc chín để trẻ tự ăn.
Việc cho trẻ ăn thức ăn đặc trước 17 tuần tuổi sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh béo phì và các vấn đề khác ở trẻ.
Tuy nhiên theo Clare Llewellyn, giảng viên bộ môn khoa học hành vi và sức khỏe tại Đại học London, Anh khẳng định, dù là một phát hiện thú vị nhưng nghiên cứu này vẫn cần phải tiếp tục kiểm chứng thêm để có thể đưa ra một kết quả chính xác nhất.
Llewellyn cũng cảnh báo, việc cho trẻ ăn thức ăn đặc trước 17 tuần tuổi sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh béo phì và các vấn đề khác ở trẻ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô giá giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh, đồng thời góp phần phát triển trí não. Do đó lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu là điều mà tất cả các bậc cha mẹ cần lưu ý.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics mới đây.