Câu chuyện bí ẩn về những người tin rằng họ từng là một công chúa Ấn Độ hay một sĩ quan tái sinh ở kiếp này nhiều khả năng là sản phẩm của một dạng trí nhớ lệch lạc, nghiên cứu mới đây cho biết.
Có thể trước kia, chính thiên hướng tạo ra ký ức sai lệch này đã khiến người ta phải vin vào lý giải về tiền kiếp. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những người mà sau khi qua điều trị thôi miên, trở nên tin rằng họ có kiếp trước.
Những người này được yêu cầu đọc to một danh sách gồm 40 cái tên vô danh. Sau 2 tiếng chờ đợi, các nhà khoa học bảo với họ rằng họ sắp đọc một danh sách gồm 3 loại tên: những người vô danh mà họ từng nhìn thấy (trong danh sách trước), những cái tên nổi tiếng, và tên của những người không nổi tiếng mà họ chưa từng đọc trước đó. Người thí nghiệm cần là xác định xem đâu là cái tên nổi tiếng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, so với những người đối chứng (không tin vào ý tưởng tiền kiếp), những người tin vào sự tái sinh có tỷ lệ nhận nhầm tên gấp 2 lần. Đặc biệt, họ có xu hướng nhận sai những cái tên vô danh từng nhìn thấy trong danh sách trước thành người nổi tiếng. Dạng sai lệch này chứng tỏ người ta gặp khó khăn trong việc nhận ra ký ức từ đâu đến.
Những người như vậy dễ tự huyễn hoặc vào những điều không có thực, trưởng nhóm nghiên cứu Maarten Peters từ Đại học Maastricht ở Hà Lan cho biết. Nếu họ trải qua trạng thái thôi miên và liên tục được yêu cầu nói về một ý tưởng tiềm thức nào đó - chẳng hạn cuộc sống tiền kiếp - có thể họ sẽ trở nên quen thuộc với ý tưởng này và cuối cùng biến nó thành một trí nhớ sai lầm hoàn hảo.
Đó là bởi họ không thể phân biệt những điều từng trải qua và những thứ được "nhồi" vào đầu, Peters nói.
Ký ức về tiền kiếp không chỉ là dạng sai lệch trí nhớ duy nhất được nghiên cứu trong công trình này. Richard McNally, một nhà tâm lý lâm sàng tại Đại học Harvard đã phát hiện thấy những người tự nhận là bị người ngoài trái đất bắt cóc cũng nhiều khả năng bị sai lệch trong ký ức.
T. An