Trung Quốc đang nhanh chóng hóa thành sa mạc

  •   22
  • 4.156

Sa mạc hóa đang nuốt chửng hàng nghìn km2 đất sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc mỗi năm, trở thành thách thức lớn chưa từng có ở quốc gia này.

Một tàu chở hàng đang băng qua vùng đất bị sa mạc hóa ở quận Hằng Sơn, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc năm 2011
Một tàu chở hàng đang băng qua vùng đất bị sa mạc hóa ở quận Hằng Sơn, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc năm 2011. Ảnh: Rooney Chen/Reuters.

Theo Business Insider, tốc độ sa mạc hóa tại Trung Quốc gia tăng trong suốt nửa cuối thế kỷ trước. Dù xu hướng này đã chững lại, tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Hơn 1/4 đất của Trung Quốc đang xuống cấp hoặc chuyển hóa thành sa mạc, do trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng quá nhiều nước hoặc biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng sa mạc Gobi xâm lấn 3.600 km2 diện tích đồng cỏ mỗi năm. Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp của chính phủ Trung Quốc xác định sa mạc hóa đất đai là vấn đề sinh thái quan trọng nhất trong nước và biến đổi khí hậu càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Sa mạc hóa đe dọa cuộc sống của khoảng 1/3 dân số Trung Quốc, đặc biệt là những người sống ở phía tây và phía bắc, đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định chính trị và kinh tế, gây thiệt hại khoảng 6,9 tỷ USD mỗi năm.

Đối với khu vực sa mạc hóa nghiêm trọng, thiệt hại lên đến 23,16% GDP hàng năm, theo nghiên cứu của Joey Jay Kassiola và Sujian Guo trong cuốn sách Khủng hoảng môi trường của Trung Quốc xuất bản năm 2010. Thực tế, khoảng 400 triệu người đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu đất sản xuất, điều kiện khí hậu bất ổn và thiếu nước nghiêm trọng khi 1/3 diện tích đất đai bị xói mòn.

Ngoài ra, hạn hán gây thiệt hại cho khoảng 160.000 km2 đất canh tác mỗi năm, gấp đôi khu vực bị ảnh hưởng vào thập niên 1950.

Nông dân chuẩn bị trồng cây để giữ ổn định các cồn cát ở rìa sa mạc Mu Us ở Linh Vũ, khu tự trị Hồi Ninh Hạ phía tây bắc Trung Quốc năm 2007
Nông dân chuẩn bị trồng cây để giữ ổn định các cồn cát ở rìa sa mạc Mu Us ở Linh Vũ, khu tự trị Hồi Ninh Hạ phía tây bắc Trung Quốc năm 2007. (Ảnh: Stringer/Reuters).

Quy nguyên nhân cho tình trạng chăn nuôi và trồng trọt quá mức, Trung Quốc bắt đầu di dời hàng triệu người dân khỏi khu vực đất đai khô cằn từ năm 2005 theo chương trình "di cư sinh thái".

Tuy nhiên, nạn phá rừng làm cho tình hình diễn biến xấu hơn. Theo Greenpeace, Trung Quốc chỉ còn 2% rừng nguyên sinh, trong đó chỉ có 0,1% được bảo vệ đầy đủ. Bất chấp những nỗ lực giảm tốc độ xói mòn, năm 2011, chính phủ Trung Quốc phải tự thừa nhận xu hướng sa mạc hóa về cơ bản vẫn chưa đảo chiều.

Đặc biệt, bụi và bão cát tăng cường đặt ra những thách thức về địa chính trị. Sa mạc Gobi kéo dài từ Trung Quốc đến Mông Cổ, là nguồn bụi lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau sa mạc Sahara. Bụi đất là tai họa hàng năm ở miền tây Trung Quốc, bay qua Thái Bình Dương và còn vươn xa hơn. Dấu vết từ sa mạc Trung Quốc còn được tìm thấy ở New Zealand và dãy núi Alps của Pháp, và bụi vàng làm nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Loại bụi này tàn phá sức khỏe động vật và con người, gắn liền với bệnh tim mạch và hô hấp trong thập kỷ qua.

Một trận bão cát ở Hồi Hột, thủ phủ khu tự trị Nội Mông phía đông bắc Trung Quốc năm 2005.
Một trận bão cát ở Hồi Hột, thủ phủ khu tự trị Nội Mông phía đông bắc Trung Quốc năm 2005. (Ảnh: Reuters).

Bão bụi cũng phát tán các chất ô nhiễm độc hại, vi khuẩn, virus, phấn hoa và nấm. Khi quan sát một trận bão bụi ở Hàn Quốc, các nhà vi trùng học phát hiện vi khuẩn trong không khí tăng mạnh.

Bụi và bão cát trở thành nỗi lo lớn đối với chính phủ các nước. Năm 2005, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên Hiệp Quốc và các nước trong khu vực xây dựng kế hoạch tổng quát để thúc đẩy giải pháp hợp tác.

Gần đây hơn, chủ đề bụi được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh ba bên năm 2015 với sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Bộ trưởng Môi trường từ ba quốc gia gặp mặt mỗi năm và thành lập nhóm công tác đặc biệt để cải thiện khả năng dự báo chính xác và phát triển các biện pháp phục hồi thảm thực vật tại các khu vực ở Trung Quốc.

Cập nhật: 22/05/2016 Theo VnExpress
  • 22
  • 4.156