Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) tung ra những hình ảnh về thiết kế tàu vũ trụ dành cho 4-6 phi hành gia.
Trung Quốc đang phát triển tàu vũ trụ thế hệ mới để chở người bay tới Mặt Trăng và những nơi xa xôi hơn trong vũ trụ, Space hôm 2/10 đưa tin. Mẫu tàu này vẫn chưa được đặt tên, dự kiến có thể bay vượt khỏi quỹ đạo thấp của Trái Đất và chở 4 - 6 người. Nó dài 9m và có khối lượng cất cánh tối đa khoảng 20 tấn.
Tàu vũ trụ mới gồm khoang chở người (trên) và khoang thiết bị (dưới, hình trụ tròn). (Ảnh: Space).
Tàu vũ trụ mới gồm hai bộ phận chính, khoang thiết bị và khoang chở người. Trong đó, khoang thiết bị cung cấp sức đẩy, năng lượng, và các trang bị cần thiết để duy trì sự sống cho phi hành đoàn. Khoang chở người có thể tái sử dụng một phần.
Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ chở người thành công nhưng chưa từng vượt khỏi quỹ đạo Trái Đất. Năm 2003, phi hành gia Yang Liwei bay quanh Trái Đất trên tàu Thần Châu 5, giúp Trung Quốc trở thành nước thứ ba tự đưa người lên không gian. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn là nước duy nhất có thể đưa được người lên Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất.
Trung Quốc hiện sử dụng loại tàu Thần Châu nặng khoảng 8 tấn, có thể mang ba phi hành gia lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Tuy nhiên, thiết kế của Thần Châu không phù hợp với môi trường bức xạ mạnh của không gian sâu. Con tàu cũng không thể chịu được khi lao qua khí quyển với tốc độ cao để trở về Trái Đất. Lần phóng tàu Thần Châu gần nhất là vào năm 2016.
Chuyến bay thử nghiệm không chở người đầu tiên của mẫu tàu mới dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2020. Mỹ cũng đang nỗ lực đưa người trở lại Mặt Trăng. SpaceX, công ty hàng không vũ trụ Mỹ, hé lộ phiên bản tàu vũ trụ mới Starship trong khi NASA cũng thử nghiệm hệ thống trên tàu vũ trụ Orion.