Trung Quốc: Khai quật tượng Phật Bồ Tát 1500 năm tuổi

  •  
  • 3.371

Trong lần khai quật gần 3.000 bức tượng Phật tại thành Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), các nhà khảo cổ đã phát hiện phần đầu của một bức tượng Bồ Tát có niên đại 1.500 năm.

>>> Hàn Quốc: khai quật thành công tượng Phật 1.300 năm tuổi

Một chuyên gia khảo cổ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, phát hiện lần này của các nhà khoa học được xem là phát hiện lớn nhất kể từ lần khai quật năm 1949.

Những bức tượng Phật đều được chế tác từ đá cẩm thạch và đá vôi trắng song hầu hết chúng đã bị vỡ. Các chuyên gia cho rằng 3.000 bức tượng kể cả phần đầu của bức tượng Phật Bồ Tát đều được xây dựng từ triều đại Đông Ngụy và Bắc Tề giai đoạn 534 - 577 sau Công nguyên.

Phần đầu của bức tượng Bồ Tát có niên đại khoảng 1.500 năm
Phần đầu của bức tượng Bồ Tát có niên đại khoảng 1.500 năm

Theo nhận định của Katherine Tsiang - giám đốc Trung tâm nghệ thuật Á Đông tại Đại học Chicago (Mỹ), khả năng những bức tượng đã bị phá và gom đi chôn tập thể sau khi triều đại Bắc Tề sụp đổ.

Vào ngày 20/3, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã bắt tay vào nghiên cứu hàng ngàn bức tượng được đưa lên khỏi lòng đất từ hồi tháng Một năm nay. Các bức tượng này cao từ 20cm cho tới bằng chiều cao của người thường.

Lần phát hiện này đã gây kinh ngạc cho giới khoa học bởi chưa một tài liệu nghiên cứu nào từng ghi chép về hố chôn tượng Phật tập thể tại thành Hàm Đan.

Vào những năm 1950, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được hơn 2000 mảnh vỡ từ các bức tượng Phật làm từ đá cẩm thạch trong một ngôi đền tại Định Châu, tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

Nhiều bức tượng tại thành Hàm Đan có kiểu dáng giống như tại đền Định Châu. Song, phần lớn những bức tượng mới được phát hiện có kích thước lớn hơn những bức tượng tại Định Châu.

Giai đoạn thế kỷ thứ 5 và thứ 6 được xem là những dấu mốc quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và phát triển của đạo Phật trên khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn.

Đạo Phật vốn xuất xứ từ Ấn Độ, sau đó được truyền bá vào Trung Quốc trong suốt triều đại nhà Hán khoảng vài trăm năm. Sau khi nhà Hán sụp đổ, đạo Phật ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là vào thế kỷ thứ 5 và 6, nhờ hoạt động buôn bán dọc Con Đường Tơ Lụa vào Trung Quốc từ khu vực Trung Á.

Bức tượng khoác áo choàng màu đỏ thiếu phần đầu được đưa lên khỏi mặt đất
Bức tượng khoác áo choàng màu đỏ
thiếu phần đầu được đưa lên khỏi mặt đất

Điều đặc biệt là các nhà khảo cổ còn phát hiện được những bức tượng Phật đúc riêng lẻ, khoác chiếc áo choàng màu đỏ - một hình ảnh thường thấy tại khu vực phía bắc Trung Quốc trong giai đoạn giữa thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Trước giai đoạn này, người ta thường thấy các thầy tu được đúc liền cặp với nhau.

Việc các bức tượng được đúc không theo quy chuẩn và thiếu những nét biểu thị cảm xúc trên khuôn mặt đã ngầm gợi ý cho giới học giả về những thay đổi trong nhận thức về đạo Phật của người Trung Quốc, khác xa với sự thần thánh và bất tử trong những bức tượng nguyên gốc trước đây.

Tại Trung Quốc trong giai đoạn thế kỷ thứ 5, những người theo đạo Phật thường thuê các nghệ nhân tạc tượng Phật làm công đức đặt trong các đền chùa. Họ thể hiện tính hào phóng của mình bằng cách sử dụng những nguyên liệu quý hiếm như đá cẩm thạch, đồng, các chất nhuộm màu đắt tiền và thậm chí cả vàng để đúc tượng đưa lên chùa.

Theo Infonet
  • 3.371