Trung Quốc làm ra vật liệu siêu bền cho "thang máy vũ trụ"

  •  
  • 1.667

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc vừa tuyên bố phát triển thành công loại sợi carbon siêu bền có thể dùng để chế tạo cái gọi là "thang máy vũ trụ".

Theo báo SCMP của Hong Kong, nhóm nhà khoa học Trung Quốc mô tả như sau: 1cm3 loại vật liệu mới đó (làm từ ống carbon nano), chỉ nặng vỏn vẹn 1,6 gram nhưng sẽ không bị gãy dưới trọng lượng của 160 con voi, tức hơn 800 tấn.

"Đây quả là một phát minh chấn động", ông Wang Changqing - nhà khoa học nghiên cứu về thang máy vũ trụcủa Trung Quốc và không thuộc nhóm ĐH Thanh Hoa, lên tiếng ca ngợi về phát minh của họ.

Trong tương lai, thang máy vũ trụ có thể sẽ trở thành sự thật
Trong tương lai, thang máy vũ trụ có thể sẽ trở thành sự thật - (Ảnh: SCMP).

Công trình của nhóm khoa học gia Trung Quốc đã được trích đăng một phần trên tạp chí Nature NanoTechnology. Họ nhận định độ bền của sợi carbon nano mới cao hơn 9-45 lần so với các vật liệu khác.

Về ứng dụng, vật liệu mới được đánh giá sẽ rất hữu ích trong các lĩnh vực cao cấp như thiết bị thể thao, áo giáp chống đạn, hàng không, vũ trụ và thậm chí chế tạo thang máy vũ trụ.

Ý tưởng về thang máy vũ trụ nghe có vẻ "hư cấu" nhưng thật ra người ta đã mơ tưởng về nó từ rất lâu rồi. Các nhà khoa học cũng từng cho ra đời nhiều mẫu thiết kế khác nhau về loại công cụ có thể đưa con người đi lên không gian nhanh chóng trong những thập niên qua.

Trên lý thuyết, thang máy vũ trụ sẽ trượt trên hai sợi cáp, kéo căng bằng trọng lực và lực ly tâm, đồng thời xoay theo Trái đất. Điều này cho đến nay bất khả thi về mặt vật lý và toán học vì không có vật liệu nào đủ nhẹ, bền để chế tạo sợi cáp.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từng treo giải thưởng 2 triệu USD hồi năm 2005 cho ai phát minh ra được loại vật liệu như vậy. Kết quả là chưa ai chạm tay được đến giải thưởng hấp dẫn đó.

Và bây giờ, nhóm Đại học Thanh Hoa do giáo sư Wei Fei dẫn đầu tự tin rằng họ đã phát minh ra loại vật liệu mà NASA cần, thậm chí có độ bền hơn gấp 10 lần yêu cầu (80 so với 7 gigapascals).

Tất nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật để biến ý tưởng thang máy vũ trụ thành hiện thực. Nhưng các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản vẫn đang đổ tiền cho nghiên cứu này.

Trong khi đó, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ sớm ứng dụng loại vật liệu mới trong chế tạo xe hơi điện, thiết bị quốc phòng (như pháo bắn laser) và nhiều lĩnh vực khác.

Cập nhật: 30/10/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.667