Trung Quốc lần đầu tiên chọn phi hành gia dự bị từ Hong Kong và Macau

  •  
  • 70

10 phi hành gia dự bị đã được chọn cho Chương trình Không gian Có Người lái của Trung Quốc, bao gồm tám phi công vũ trụ và hai chuyên gia về tải trọng đến từ Hong Kong và Macau.

Ngày 11/6, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc thông báo có 10 phi hành gia dự bị đã được chọn cho Chương trình Không gian Có Người lái của nước này, bao gồm 8 phi công vũ trụ và 2chuyên gia về tải trọng đến từ các khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau (Trung Quốc).

 Tàu vũ trụ Thường Nga-6
 Tàu vũ trụ Thường Nga-6, mang theo mẫu vật thu thập từ phần tối của Mặt trăng, rời bề mặt hành tinh này ngày 4/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu cho rằng đây là "trang sử vẻ vang" trong lịch sử của đặc khu khi lần đầu tiên một chuyên gia Hong Kong được chọn vào chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, với cơ hội trở thành phi hành gia để trực tiếp lên vũ trụ, tham gia nghiên cứu và đóng góp cho chương trình không gian của đất nước.

Ông Lý Gia Siêu cho biết nhóm nghiên cứu của các trường đại học ở Hong Kong đã nhiều lần cung cấp nghiên cứu công nghệ cũng như các dụng cụ và công cụ cho dự án hàng không vũ trụ quốc gia và sự xuất hiện của phi hành gia dự bị đầu tiên của Hong Kong chứng tỏ sức mạnh của các tài năng công nghệ và đổi mới của đặc khu.

Đợt tuyển chọn các phi hành gia dự bị cho chương trình không gian có người lái của Trung Quốc được triển khai từ tháng 9/2022, chia thành ba vòng.

Ông Tôn Đông, người đứng đầu Cơ quan Đổi mới Công nghệ và Công nghiệp Hong Kong cho biết chuyên gia được lựa chọn từ 120 ứng viên.

Khoảng 40 người ở Hong Kong đã tham gia vòng sơ tuyển, hơn 10 người tham gia vòng 2 và cuối cùng một người được lựa chọn.

Theo thông lệ, các chuyên gia về tải trọng không phải là phi hành gia chuyên nghiệp. Chuyên gia về tải trọng của Hong Kong là nữ Chánh thanh tra lực lượng cảnh sát Lai Ka-ying.

Trong khi đó, chính quyền Macau bày tỏ việc chuyên gia của đặc khu được chọn làm phi hành gia dự bị quốc gia thể hiện tầm quan trọng và sự hỗ trợ to lớn của chính phủ trung ương đối với sự đổi mới khoa học và công nghệ của Macau, đồng thời cho phép Macau thực hiện một bước quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình không gian khi theo đuổi kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.

Ông Hoàng Vĩ Phần, nhà thiết kế chính hệ thống phi hành gia của chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, cho biết việc lựa chọn và đào tạo phi hành gia hiện nay đang xem xét hai nhiệm vụ chính là trạm vũ trụ và hạ cánh lên Mặt trăng.

Trong tương lai sẽ có các khóa huấn luyện mô phỏng hạ cánh trên Mặt trăng.

Cập nhật: 14/06/2024 TTXVN/Vietnam+
  • 70