Tên lửa nhỏ này, được thiết kế để triển khai nhanh chóng và phóng từ các bệ phóng di động như tàu biển, mang theo bảy vệ tinh nhân tạo, gồm một chiếc để đo sức gió ở bề mặt biển nhằm dự báo bão.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 5/6 đưa tin nước này đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa Trường Chinh 11 từ tàu biển, đây là bước đi mới nhất trong chương trình không gian tham vọng của Bắc Kinh.
Tên lửa Trường Chinh 11 đã được bắn từ boong một tàu lớn ở Hoàng Hải vào lúc 4 giờ sáng (giờ GMT).
Các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã hoàn thành cột mốc 300 lượt phóng. Ảnh minh họa. (Nguồn: spaceflight101.com)
Tên lửa nhỏ này, được thiết kế để triển khai nhanh chóng và phóng từ các bệ phóng di động như tàu biển, mang theo bảy vệ tinh nhân tạo, gồm một chiếc để đo sức gió ở bề mặt biển nhằm dự báo bão.
Tên lửa này cũng mang theo hai vệ tinh viễn thông của công ty China 125, một doanh nghiệp công nghệ có trụ sở ở Bắc Kinh. Công ty này có kế hoạch phóng hàng trăm vệ tinh để cũng cấp dịch vụ mạng lưới dữ liệu toàn cầu.
Tháng Ba vừa qua, với việc thực hiện sứ mệnh đưa vệ tinh viễn thông ChinaSat 6C lên quỹ đạo, các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã hoàn thành "cột mốc" 300 lượt phóng, đưa tổng cộng 506 vệ tinh vào vũ trụ kể từ năm 1970.
Theo thống kê chính thức, các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh, do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển, kể từ khi ra đời đến nay đã thực hiện 96,4% tổng số nhiệm vụ phóng vệ tinh của nước này với tỷ lệ thành công khoảng 96%. Hiện nay, tần suất phóng vệ tinh của Trung Quốc đã đạt tới mức bình quân 23,5 lượt/năm.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã coi chương trình không gian là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đua nhằm bắt kịp Mỹ và trở thành một cường quốc không gian vào năm 2030. Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng trạm không gian riêng vào năm 2020.