Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa vào hoạt động nam châm có thể tạo ra từ trường 45,22 tesla, gấp một triệu lần từ trường Trái đất.
Cơ sở từ trường mạnh ổn định (SHMFF) tại Hợp Phì. (Ảnh: SCMP)
Hôm 12/8, nam châm lai ở Cơ sở từ trường mạnh ổn định (SHMFF) tại Hợp Phì, Trung Quốc, tạo ra từ trường ổn định ở mức 45,22 tesla (T), từ trường ổn định mạnh nhất được ghi nhận trên thế giới, cao gấp khoảng một triệu lần từ trường Trái đất, theo Phys.org. Con số này phá vỡ kỷ lục trước đó là 45 tesla xác lập vào năm 1999 bởi nam châm lai ở Phòng thí nghiệm từ trường cao của Mỹ.
Nam châm lai 45,22 tesla ở SHMFF bao gồm một đầu điện trở đặt trong vòng siêu dẫn, có đường kính 33 mm, không lớn hơn nhiều so với đồng xu. Dù đối mặt nhiều thách thức lớn, nhóm nghiên cứu chế tạo thành công nam châm lai vào năm 2016, sinh ra từ trường 40 tesla. Từ sau đó, nhóm nghiên cứu không ngừng theo đuổi mục tiêu đạt từ trường mạnh hơn.
"Chúng tôi đã đổi mới cấu trúc nam châm, phát triển vật liệu mới", giáo sư Kuang Guangli, giám đốc học thuật ở Phòng thí nghiệm từ trường cao thuộc Viện khoa học vật lý Hợp Phì, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CHMFL), cho biết. "Quá trình sản xuất cũng được tối ưu hóa".
Phòng thí nghiệm nam châm mạnh được sử dụng trong nghiên cứu cao cấp có thể dẫn tới những phát hiện mang tính cách mạng. Ví dụ, tại Hợp Phì, một nhóm nhà vật lý tiến hành thí nghiệm vào năm 2016 và quan sát hiện tượng mới trong ống nano, có nhiều ứng dụng tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện thí nghiệm liên quan tới tế bào con người, giun và khỉ ở Hợp Phì.
Giáo sư Kuang Guangli, nhà khoa học dẫn dắt dự án, chia sẻ nhóm đã đạt được mục tiêu tạo ra nam châm mạnh nhất hành tinh. Nhóm nghiên cứu đã chế tạo một nam châm 40 Tesla vào năm 2016, nhưng "không hài lòng". Sau 5 năm nghiên cứu để đưa ra cấu trúc nam châm mới, phát triển vật liệu mới và tối ưu hóa quy trình sản xuất, họ "cuối cùng đã tạo ra bước đột phá công nghệ lớn", Kuang cho biết.