Trung Quốc thế kỷ 19 qua những bức ảnh hiếm

  •  
  • 7.587

Triển lãm mới của nhà sưu tầm Stephan Loewentheil mang đến cái nhìn chân thực về Trung Quốc thế kỷ 19 qua những bức ảnh đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh nước này.

Trung Quốc thế kỷ 19
Trước khi nghệ thuật nhiếp ảnh du nhập vào Trung Quốc, phương tây chỉ có thể hình dung về một cường quốc phương đông thông qua các bức vẽ, bút ký và công văn được gửi về từ vùng đất xa xôi. Nhưng đến những năm 1850, một nhóm nhiếp ảnh gia phương tây tiên phong tìm cách chụp lại phong cảnh và con người Trung Quốc, thu hút nhiều sự chú ý ở quê nhà và khởi xướng cho phong trào nhiếp ảnh tại Trung Quốc, theo CNN.

Những khung hình hiếm có về Trung Quốc.
Trong số đó, có một nhiếp ảnh gia người Italy là Felice Beato đã đến Trung Quốc vào những năm 1850 để ghi lại tư liệu về sự can thiệp của Anh và Pháp trong chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai. Ngoài ra, nhiếp ảnh gia người Scotland John Thompson cũng đi dọc sông Mân (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên) để mang đến những khung hình hiếm có về Trung Quốc.

Bộ ảnh Trung Quốc thế kỷ 19 của ông phản ánh chân thực quang cảnh đường phố với các thương nhân, những công trình kiến trúc
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều nhiếp ảnh gia có tác phẩm đóng góp trong bộ sưu tập 15.000 bức của nhà sưu tầm người New York Stephan Loewentheil. Bộ ảnh Trung Quốc thế kỷ 19 của ông phản ánh chân thực quang cảnh đường phố với các thương nhân, những công trình kiến trúc, cuộc sống nông thôn và nhiều chi tiết khác, từ người ăn xin mù lòa ở góc phố đến đoàn lữ hành trên Con đường Tơ lụa.

Một phụ nữ đang dệt vải
Loewentheil đã dành ba thập kỷ qua để có được các bức ảnh từ nhiều cuộc đấu giá và nhà sưu tập khác ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Đây được coi là bộ sưu tập ảnh thuộc sở hữu cá nhân lớn nhất thế giới. Vừa qua, lần đầu tên nhà sưu tầm đưa 120 bức ảnh đến trưng bày trong triển lãm tại Bắc Kinh. Đây được coi là những bức ảnh đầu tiên, sử dụng cả những vật liệu thô sơ như lòng trắng trứng và kỹ thuật "đĩa ướt" trong quá trình tráng ảnh.

Một viên quan nhà Thanh
Ngoài việc tôn vinh tác phẩm của những nhiếp ảnh gia nước ngoài tiên phong, triển lãm của Loewentheil cũng ca ngợi thành tựu của nhiều tác giả người Trung Quốc. Khi rời quốc gia phương đông, nhiều nhiếp ảnh gia đã bán đi máy ảnh cùng các thiết bị cồng kềnh. Trong khi đó, một số người Trung Quốc khác như nhà toán học Zou Boqi lại sử dụng các linh kiện do phương tây sản xuất để tự chế tạo ra máy ảnh của riêng mình.

Nhân vật trong ảnh thường ngồi đối diện, nhìn vào máy ảnh, ngồi thẳng và gương mặt không biểu cảm gì
Một số nhiếp ảnh gia Trung Quốc tiên phong như Lai Afong có nhiều tác phẩm ảnh có chất lượng tương đương như người phương tây, Loewentheil đánh giá. Thay vì sao chép người nước ngoài, các nhiếp ảnh gia Trung Quốc thường lấy cảm hứng từ truyền thống nghệ thuật của đất nước. Ví dụ, ảnh chân dung thường được chụp với bố cục và ánh sáng như những bức tranh vẽ. Nhân vật trong ảnh thường ngồi đối diện, nhìn vào máy ảnh, ngồi thẳng và gương mặt không biểu cảm gì nhiều giống như "những bức họa chân dung tổ tiên của người Trung Quốc", Loewentheil nói.

Những người ăn xin ở Trung Quốc thế kỷ 19
Du nhập đầu tiên đến các thành phố cảng, nghệ thuật nhiếp ảnh đã lan rộng khắp Trung Quốc vào nửa cuối thế kỷ 19. Điều này dẫn tới sự ra đời của các studio thương mại chuyên chụp ảnh chân dung cá nhân và gia đình. Nhiều bức ảnh đen trắng sau đó được các họa sĩ có chuyên môn tô màu bằng tay.

Đường phố Trung Quốc xưa
Về sau, các kỹ thuật tân tiến hơn đã giúp nhiếp ảnh thương mại ở Trung Quốc phát triển. "Các nhiếp ảnh gia muốn mang lại những hình ảnh tuyệt vời có thể đem bán khắp nơi. Từ các nhà ngoại giao, doanh nhân hay nhà truyền giáo, tất cả đều muốn mang về kỷ niệm của nền văn hóa tuyệt đẹp và độc đáo ở Trung Quốc. Một vài người trong số họ đem ảnh về phương tây bán, nhưng họ cũng nhận thấy tình yêu của người Trung Quốc dành cho nhiếp ảnh. Vì vậy họ đã lựa chọn phục vụ cho cả hai thị trường", Loewentheil nói với CNN.

Một cây cầu với kiến trúc cổ xưa
Ảnh chụp các công trình kiến trúc của nhiếp ảnh gia Trung Quốc lại bao gồm cả cảnh quan thiên nhiên xung quanh thay vì chỉ tập trung vào các tòa nhà. Đây là điểm khác biệt so với phong cách nhiếp ảnh phương tây. "Thường thì khi không xác định được danh tính của nhiếp ảnh gia, chúng tôi vẫn có thể đoán được họ là người Trung Quốc hay phương tây", Loewentheil nhận định.

Ngôi đình giữa hồ
Ngoài giá trị nghệ thuật, hình ảnh trong bộ sưu tập của Loewentheil còn có giá trị học thuật. Hiện triển lãm của ông đang được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Sự xuất hiện của công nghệ từ nước ngoài trong thế kỷ 19, bao gồm cả máy ảnh, chỉ là một trong những thay đổi căn bản dẫn tới kỷ nguyên sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc. Điều này có nghĩa là khung cảnh được ghi lại trong những bức hình sẽ nhanh chóng biến mất.

Quang cảnh Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh.
Ví dụ, nhiếp ảnh gia người Anh Thomas Child đã chụp lại được quang cảnh Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh. Nơi này sau đó bị quân xâm lược Anh và Pháp đốt cháy. Bức ảnh vì thế trở thành bằng chứng vô giá về công trình kiến trúc này. "Chúng tôi thực sự muốn bộ sưu tập là tài sản của người dân Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng cho các học giả hoặc các nhà trí thức tới nghiên cứu", Loewentheil nói.

Cập nhật: 13/03/2019 Theo Zing
  • 7.587