Từ hơn 80.000 năm trước, con người đã biết đốt rừng

  •  
  • 327

Việc mở rộng lãnh thổ bằng cách biến đổi cảnh quan môi trường không chỉ xuất hiện khi nền nông nghiệp hay công nghiệp phát triển, mà thực tế hành động này đã tồn tại từ lâu. Mới đây, một phát hiện khảo cổ và môi trường đã phát hiện ra điều đó bởi các dấu tích đốt rừng ở vùng đất khu vực hồ Malawi ở Châu Phi. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, đây được cho là bằng chứng lâu đời nhất về việc con người đã thay đổi hệ sinh thái bằng cách đốt phá rừng để tạo ra một vùng đất trống thuận tiện cho việc sinh hoạt.

Theo nhà khảo cổ học Amanuel Beyin, người không tham gia vào nghiên cứu này nhận xét: “Điều này thể hiện năng lực văn hoá mạnh mẽ để biến đổi cảnh quan theo cách nhằm nâng cao sự tồn tại của người dân”.

Từ thời tiền sử, con người đã thay đổi hệ sinh thái bằng cách đốt phá rừng.
Từ thời tiền sử, con người đã thay đổi hệ sinh thái bằng cách đốt phá rừng.

Hồ Malawi là một trong những hồ nước lớn nhất hiện nay, qua các thời kỳ mực nước và kích thước hồ đã có sự thay đổi đáng kể. Trong một nghiên cứu vào năm 2018, nhà cổ sinh vật học Sarah Ivory và các đồng nghiệp đã tiến hành kiểm tra các hoá thạch, phấn hoa và khoáng chất trong 2 lõi trầm tích được khoang từ lòng hồ.

Kết quả phân tích cho thấy mực nước và thảm thực vật của hồ đã tuân theo một vòng tuần hoàn khí hậu trong suốt 636.000 năm trước. Cụ thể những khu rừng rậm dọc theo bờ hồ thường biến mất trong thời kỳ hạn hán và hồ cạn kiệt, nhưng khi nước hồ đầy, rừng lại mọc tươi tốt trở lại. Tuy nhiên, khi đánh giá các số liệu phân tích từ phấn hoa, các chuyên gia lại nhận thấy vòng tuần hoàn có sự biến động trong thời kỳ ẩm ướt vào 86.000 năm trước. Mặc dù khi đó hồ không cạn nước, nhưng các khu rừng ven hồ lại biến mất và chỉ còn sót lại những loài cây chịu được lửa, trong khi cỏ lại có xu hướng phát triển phổ biến ở khu vực này.

Nhận thấy điều bất thường đó, Ivory đã thảo luận với những nhà khổ cổ đang khai quật tại các di chỉ gần khu vực hồ Malawi và có được manh mối đều tập trung vào hoạt động của con người. Theo đó, các khu định cư đầu tiên của con người trong khu vực này được ghi nhận cách đây 92000 năm, thông qua các bằng chứng được tìm thấy như hàng chục nghìn món đồ đá được tạo tác.

Người xưa có xu hướng đốt cháy rừng ngay khi cây cối có dấu hiệu mọc trở lại.
Người xưa có xu hướng đốt cháy rừng ngay khi cây cối có dấu hiệu mọc trở lại.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã quan sát và nhận thấy rằng chính sự xuất hiện của con người đã dẫn đến sự gia tăng đột biến của lớp trầm tích trong lòng hồ, đồng thời cũng cho thấy rằng người xưa có xu hướng đốt cháy rừng ngay khi cây cối có dấu hiệu mọc trở lại, chính vì thế cây cối tại khu vực này đã không thể phục hồi hoàn toàn. Các chuyên gia giải thích rằng người xưa đã cố tình đốt cháy rừng để tạo ra một vùng rộng rãi, tạo điều kiện cho một số loại cỏ cây mới mọc lên, quan trọng nhất là thu hút thêm nhiều loài động vật khác đến.

Một số người cho rằng nguyên nhân người xưa đốt rừng là bởi nhóm người đầu tiên sinh sống xung quanh hồ Malawi là quần thể di cư từ những vùng khô hạn ở phía Bắc hay phía Nam. Vì thế khi đến khu rừng xa lạ, có thể họ đã đốt rừng để tạo lại môi trường vốn quen thuộc này.

Cập nhật: 14/05/2021 Theo Tinh Tế
  • 327