"Tử thần Bắc Cực" thoát khỏi "mộ băng", nhiều con sông nhiễm độc

  •  
  • 276

Nghiên cứu công bố trên Nature Geoscience cho biết nguồn gốc của lượng thủy ngân khổng lồ trong các sông băng Greenland vẫn là một câu hỏi lớn.

Thủy ngân tự nhiên được giải phóng bởi cháy rừng, núi lửa phun trào hay xói mòn. Nhưng trong vòng 150 năm qua, hoạt động công nghiệp của con người cũng tích cực bơm một lượng thủy ngân khổng lồ vào khí quyển, một phần dần rơi trở lại mặt đất, hòa vào các nguồn nước.


Các sông băng ở Greenland đang tan chảy - (Ảnh: Andrew Freedman)

Có thể sự lưu thông toàn cầu của nước hoặc không khí đã vô tình đẩy kim loại nặng này dồn về phía cực Bắc. Nhưng điều lạ lùng là 3 con sông băng ở phía Tây Nam Greenland nói trên có mức ô nhiễm thủy ngân cao hơn đến 2 bậc so với các con sông khác ở khu vực Bắc Cực.

Theo nhà khoa học khí hậu Rob Spencer từ Đại học Bang Florida (FSU – Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, ở khu vực Greenland thiếu vắng các hoạt động công nghiệp, nên rất có thể lượng thủy ngân này đã nằm sẵn trong đá xói mòn bên dưới lớp băng của Greenland. Các sông băng tan chảy đã vô tình giải phóng cho "tử thần" có lẽ đã ngủ yên hàng thiên niên kỷ này.

Tờ Science Alert trích dẫn nghiên cứu: "Greenland rất có thể là một "điểm nóng" phát thải thủy ngân tự nhiên bị bỏ quên. Ngay cả khi chúng ta hạn chế phát thải thủy ngân công nghiệp vào ngày mai, sự tan chảy nhanh chóng của băng ở Greenland có thể phá hoại nỗ lực của con người nhằm giảm sự ô nhiễm kim loại nặng này xuống mức an toàn".

Hiện tại, nồng độ thủy ngân trong các con sông và vịnh hẹp băng hà ở Greenland đã tương đương với các đường nước bị ô nhiễm ở các khu công nghiệp Trung Quốc, được cho là tạo ra khoảng 1/3 lượng thủy ngân ô nhiễm trên toàn thế giới. Nồng độ này sẽ tiếp tục tăng cao bởi biến đổi khí hậu đang làm các sông băng ở hòn đảo gần Bắc Cực này tan chảy ngày một nhanh.

Hiện tượng đáng sợ này có thể gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực xuất khẩu hải sản cũng như các hệ sinh thái biển quý giá ở Greenland. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu và phân tích hiện tượng để tìm giải pháp. Theo các tác giả, phát hiện này cho thấy các chiến lược quản lý ô nhiễm thủy ngân cần được xem xét lại, bởi nguồn tự nhiên này chưa bao giờ được tính đến.

Cập nhật: 28/05/2021 Theo NLĐ
  • 276