Tư thế ngồi xổm có lợi cho sức khỏe?

  •  
  • 1.161

Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu những người săn bắn hái lượm ở châu Phi đã đi đến kết luận rằng, ngồi xổm hoặc quỳ có lợi hơn cho sức khỏe so với ngồi trên ghế hoặc ghế sofa.

Lối sống ít vận động, đặc trưng của con người hiện đại, có liên quan đến nhiều rủi ro sức khỏe do hoạt động cơ bắp thấp và chuyển hóa bị chậm lại. Từ quan điểm tiến hóa, điều này khá lạ, bởi vì, theo lý thuyết, các phương pháp thích ứng để tiết kiệm sức lực phải mang lại những lợi thế nhất định cho loài người.

Để hiểu cách con người đã tạo ra sự thư giãn và tiết kiệm sức lực trước khi phát minh ra ghế, các nhà khoa học Mỹ từ Đại học Nam California đã theo dõi hoạt động của những người săn bắn hái lượm từ bộ lạc Hadza ở Tanzania, họ có lối sống giống với cách mọi người đã sống trong quá khứ.

Hai tư thế quỳ và ngồi xổm không gây hại như ngồi trên ghế.
Hai tư thế quỳ và ngồi xổm không gây hại như ngồi trên ghế.

“Chúng tôi có xu hướng cho rằng, sinh lý của con người thích nghi với điều kiện mà chúng ta đã và đang phát triển. Nếu tình trạng ít vận động có hại, thì lịch sử tiến hóa của loài người sẽ không cung cấp cho chúng ta nhiều thời gian cho điều này", thông cáo báo chí của trường đại học trích dẫn ý kiến của Giáo sư David Reichen, Khoa sinh học, tác giả đầu tiên của bài khoa học.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã yêu cầu những người Hadza ở Tanzania đeo thiết bị theo dõi hoạt động. Một số thành viên Hadza đã đồng ý đeo thiết bị này trong một tuần. Sau đó, phần mềm được sử dụng để theo dõi hoạt động của họ trong khoảng thời gian 15 giây. Điều ngạc nhiên lớn của nghiên cứu - người lớn Hadza điển hình đã dành gần 10 giờ thức dậy mà không có bất kỳ chuyển động nào có thể phát hiện được. Hadza thường rất năng động, dễ dàng vượt quá các khuyến nghị của Hoa Kỳ về hoạt động thể chất 22 phút mỗi ngày. Nói cách khác, tổ tiên của chúng ta đã sống hòa hợp với thiên nhiên, như các nhà khoa học nói, có mức độ không hoạt động cao.

Rất hiếm khi thấy bất kỳ Hadza nào ngồi trên khúc gỗ hay tảng đá như thể đó là một chiếc ghế; thay vào đó, khoảng một nửa thời gian của họ dành cho việc ngồi trên mặt đất bằng phẳng. Nhưng họ cũng dành thời gian ở những tư thế hiếm thấy trong các xã hội công nghiệp: quỳ và ngồi xổm. Hai tư thế này chiếm khoảng 9-10 giờ mỗi ngày trong thời gian tĩnh tại của Hadza.

“Mặc dù người Hadza không có bất kỳ chuyển động nào trong thời gian dài, một trong những khác biệt chính mà chúng tôi nhận thấy là Hadza thường nghỉ ngơi trong các tư thế đòi hỏi cơ bắp phải duy trì mức độ hoạt động nhẹ - các tư thế quỳ và ngồi xổm”, Giáo sư Reichlen nói.

Ngoài việc theo dõi các giai đoạn hoạt động và không hoạt động, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo hoạt động cơ bắp của chân theo nhiều tư thế khác nhau. Ngồi xổm bao gồm hoạt động cơ bắp lớn hơn so với ngồi trên ghế.

Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, hoạt động cơ bắp nhẹ cần có nhiên liệu, có nghĩa là phải đốt cháy chất béo, vì thế hai tư thế quỳ và ngồi xổm không gây hại như ngồi trên ghế. Ít nhất, người Hadza hiếm khi mắc các bệnh tim và rối loạn chuyển hóa, mà đây là đặc trưng của người hiện đại ở các nước phát triển, dành 10-12 giờ mỗi ngày trong văn phòng, trên ghế ở nhà và trên ghế ô tô.

Các tác giả không thúc giục cư dân các thành phố lớn phải ngồi xổm hoặc quỳ trong thời gian thư giãn hoặc tại nơi làm việc, nhưng, đôi khi cần phải đứng dậy và cúi xuống, nên chọn những tư thế tích cực hơn, điều đó có thể là một thực hành hữu ích giúp giảm rủi ro sức khỏe liên quan đến lối sống ít vận động.

“Thay cho việc ngồi trên ghế khi cơ bắp không hoạt động, bạn nên lựa chọn những tư thế khác, trong tương lai con người có thể khám phá mô hình hành vi này. Ngồi xổm không phải là một thay thế duy nhất, nhưng, nên dành nhiều thời gian hơn cho các tư thế đòi hỏi hoạt động cơ bắp ở mức độ thấp, điều đó có lợi cho sức khỏe của chúng ta", chuyên gia nói.

Cập nhật: 13/03/2020 Theo Dân Trí
  • 1.161