Hơn 45 năm trôi qua, động đất Đường Sơn vẫn là nỗi kinh hoàng đối với không chỉ riêng người dân Trung Quốc, mà còn của cả thế giới.
Vào lúc 3:42 sáng ngày 28/7/1976, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở thành phố Đường Sơn (Hà Bắc, Trung Quốc).
Tâm chấn của trận động đất nằm ở trung tâm thành phố Đường Sơn. Trong phút chốc, một thành phố với dân số một triệu người đã biến thành đống đổ nát, tính mạng và tài sản của người dân cũng như tài sản quốc gia bị tổn thất nặng nề. Diện tích thiệt hại của trận động đất vượt quá 30.000km2 và khu vực bị ảnh hưởng lên tới 14 tỉnh, thành phố và khu tự trị, tương đương với 1/3 diện tích cả nước.
Cảnh tượng hoang tàn của một phần thành phố Đường Sơn sau trận động đất 7,8 độ richter kinh hoàng.
Trận động đất đã khiến gần 255.000 người thiệt mạng, 1.645,81 triệu người bị thương nặng và hơn 1.700 người bị thương tật vĩnh viễn chỉ riêng ở thành phố Đường Sơn; 14,79 triệu mét vuông cơ sở hạ tầng công cộng bị phá hủy và 5,3 triệu ngôi nhà bị sập. Trận động đất Đường Sơn là trận động đất kinh hoàng nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.
Hàng triệu người mất nhà cửa và những năm tháng đau đớn về tâm lý của hầu hết những người sống sót đã khiến Đường Sơn, một thành phố công nghiệp có lịch sử hàng trăm năm sa sút trầm trọng. Động đất Đường Sơn là nỗi đau không thể phai mờ trong tâm trí người dân Trung Quốc.
Khi lịch sử được ấn định vào ngày 28/7/1976, Đường Sơn, một thành phố công nghiệp bên bờ biển Bột Hải, đã rung chuyển. Đây là trận động đất có số lượng người thương vong lớn nhất cho đến hiện tại. Kể từ đó, những ký ức đen tối đã bao trùm thành phố.
Nhà máy rửa than mỏ Lâm Tây của tập đoàn khai thác than Kailuan bị sập.
Cầu Thắng Lợi ở thành phố Đường Sơn bằng bê tông cốt thép bị gãy sập trong trận động đất kinh hoàng.
Khi thảm họa xảy ra, các thành phố và làng mạc tràn ngập nỗi đau lớn, nó dữ dội đến mức người dân Đường Sơn đã quên khóc trong một thời gian. Dưới bầu trời thành phố xám xịt, đâu đâu cũng thấy bụi bốc lên từ những ngôi nhà sập, những tấm bê tông đúc sẵn bị vặn vẹo và gãy nát, đâu đâu cũng có tiếng kêu la thảm thiết của những người bị thương và những cái xác ngổn ngang.
Thành phố rơi vào tuyệt vọng chưa từng có, mọi người bắt đầu lan truyền tin đồn "trời sập", những người còn sống bắt đầu chạy trốn lên núi, thậm chí có người còn trèo lên đường ray xe lửa, vì họ cho rằng đường ray dài sẽ không dễ dàng sụp xuống đất.
Thành phố Đường Sơn nằm giữa điểm nâng hai ngọn núi Âm Sơn-Yến Sơn và điểm trũng Ký Bột ở Vùng trũng Đồng bằng Hoa Bắc, trên vành đai đứt gãy Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Sơn và Bột Hải. Có 252 trận động đất ở khu vực Đường Sơn được ghi lại trong "Danh mục động đất Trung Quốc".
Thảm họa đến rồi đi, để lại chết chóc và tang thương. Nhắc đến động đất Đường Sơn, người ta chỉ nhớ về những con số khủng khiếp cùng hình ảnh tan hoang.
Song giữa tâm thảm họa đã có những con người oằn mình để cứu lấy nhau, một người được cứu ra đống đổ nát cũng là cả sự nỗ lực to lớn của máu thịt và nước mắt. Hậu thiên tai, đau thương còn mãi, người ở lại vẫn phải sống tiếp.
Công tác cứu hộ được đẩy mạnh sau trận động đất kinh hoàng.
Từ khoảng 5 giờ sáng sau khi trận động đất xảy ra, những phát thanh viên đã thực hiện nhiệm vụ vừa đi đạp xe giữa đống đổ nát của Zhaogezhuang với bán kính 3-4 km vừa phát đi phát lại thông báo để duy trì an ninh trật tự... Trong sự hoảng loạn của đống đổ nát, giọng nói quen thuộc từ đài phát thanh di động đã mang đến cho mọi người sự an ủi lớn lao, và họ nhanh chóng tổ chức để tham gia vào hàng ngũ cứu trợ động đất.
Trong mắt tất cả những người sống sót, cứu mạng là điều quan trọng nhất, cả những người tù nhân trong trại giam thành phố Đường Sơn. Các tù nhân được tổ chức thành ba đội giải cứu, một đội giải cứu đặc biệt dưới sự giám sát của lính canh có vũ trang. Với máu trên tay và mồ hôi trên mặt, các tù nhân cẩn thận khiêng những đứa trẻ bị thương và những người già sợ hãi. Hầu hết những người được cứu khỏi đống đổ nát đều bị thương nặng, nhiều người bị đứt lìa tay chân. Mỗi khi cứu được một nạn nhân, các phạm nhân không khỏi khe khẽ thở dài, thậm chí có người còn rơi nước mắt.
Mười phút sau khi trận rung lắc kết thúc, 5 người thợ mỏ ở trấn Triệu Khách Trang cố gắng rũ bỏ đống than vụn đứng dậy, lúc này mới phát hiện mình đã rơi vào tình thế tuyệt vọng, nước sắp tràn lên, thông gió bị bịt kín, lòng đường nhiều chỗ sạt lở, lối đi lại bị phong tỏa khiến không khí dưới lòng đất ngày càng loãng... Song 5 con người này sống sót sau 15 ngày dưới lòng đất, tạo nên kỳ tích trong chuỗi ngày tăm tối ở Đường Sơn.
Ông Trương Ngọc Thanh thuộc đội quân y đang khám bệnh cho quần chúng. Sau trận động đất Đường Sơn, ông được chuyển đến vùng thiên tai để cứu trợ động đất. Ông không bao giờ quên rằng trong suốt ba ngày ba đêm từ tối ngày 28/7 đến ngày 31/7, tất cả các nhân viên y tế đã không ngủ, dù chỉ trong vài phút. Do làm việc quá sức, Trương Ngọc Thanh đã ba lần ngất xỉu: "Sau khi tỉnh dậy, tôi rửa mặt bằng nước lạnh và lập tức đi cấp cứu những người bị thương".
"Khi đó, dư chấn rất mạnh, cứ vài giây lại rung chuyển. Đội ngũ y tế của chúng tôi không màng đến an toàn của bản thân, ngày đêm cấp cứu những người bị thương". Khi ông Doãn Hiểu Thần 75 tuổi - chàng quân y năm xưa nói khi nhớ lại hơn 40 ngày đêm trải qua thảm họa ở Đường Sơn năm 1976.
Sau trận động đất, nhân viên y tế bắt đầu công việc phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ.
Một ngôi làng trở thành khu vực phục hồi chức năng cho những bệnh nhân bị liệt sau trận động đất. Gần 50 năm qua, nỗi đau thể xác do trận động đất gây ra cho người dân Đường Sơn đã dần nguôi ngoai, nhưng vết thương lòng về tinh thần vẫn còn giày vò những người sống sót sau thảm họa.
Diêu Thúy Cần là nữ quân nhân đã bị thương và tàn tật trong trận động đất Đường Sơn. Vượt qua nỗi đau, Diêu Thúy Cần (phải) tiếp tục sống nhiệt huyết và thường xuyên hát cho các bệnh nhân trong viện dưỡng lão.
Những bông hoa bách hợp trắng muốt và cẩm chướng hồng được dâng lên ở đài tưởng niệm sự kiện Động đất Đường Sơn như lời hỏi thăm của người còn sống đến những người đã nằm xuống mảnh đất này.
Đây chính là đài tưởng niệm các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng ở Đường Sơn năm 1976. Những cái tên được khắc lên trên những tấm bia lớn, may mắn thì được người nha tìm thấy và nhớ đến, còn không chỉ có thể nằm đó như một nét trầm của lịch sử. Người dân Đường Sơn cứ đến tiết Thanh Minh hoặc ngày 28/7, sẽ đốt tiền giấy trên các con đường ngõ hẻm. Hàng nghìn đốm lửa thắp lên rải rác khắp thành phố như xoa dịu những người đã nằm xuống tại mảnh đất này.