Tuổi thọ con người đang ở mức cao nhất trong lịch sử, tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến và dường như không đi theo quy luật di truyền. Đó là kết quả rút ra từ một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Proceedings (Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia) ngày 15/10 vừa qua.
>>> Bí quyết trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất thế giới
Mới cách đây khoảng bốn thế hệ, xác suất tử vong trung bình ở nhiều quốc gia (điển hình là người dân Thụy Điển) vẫn có sự tương đồng với tổ tiên của họ thuộc thời kỳ săn bắt hái lượm. Tuy nhiên, y học phát triển, chất lượng vệ sinh môi trường nâng cao và hệ thống nước sạch ngày càng mở rộng góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sống, giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất chỉ trong vòng 100 năm.
Các nhà sinh học đã tiến hành thí nghiệm kéo dài tuổi thọ của sâu, ruồi giấm và chuột bằng cách lai tạo có chọn lọc hoặc điều chỉnh hệ nội tiết. Kết quả cho thấy tuổi thọ mà con người đạt được trong vòng bốn thế hệ vượt xa khả năng của các phương pháp trong phòng thí nghiệm.
Ở nghiên cứu mới này, Tiến sĩ Oskar Burger tại Viện nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck (Đức) và đồng nghiệp thực hiện phân tích các dữ liệu tử vong được công bố trước đây tại Thụy Điển, Pháp và Nhật Bản trên 3 nhóm: người hiện đại, cư dân săt bắt hái lượm và quần thể tinh tinh hoang dã.
Nhiều chuyên gia nhận định loài người hiện nay đã đạt đến mức tuổi tối đa.
Loài người ước tính đã trải qua khoảng 8.000 thế hệ, nhưng chỉ trong 4 thế hệ gần đây, tỷ lệ tử vong mới giảm xuống mức thấp như ngày nay, trong khi nhóm săn bắt hái lượm và tinh tinh có tuổi thọ trung bình ngang nhau. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra ở giai đoạn thanh thiếu niên (trên dưới 15 tuổi), nguy cơ tử vong vào thời kỳ săn bắt hái lượm cao gấp 100 lần ngày nay.
Ngoài yếu tố di truyền, một số điều kiện khác như sự ra đời của các thiết bị y tế, dinh dưỡng cải thiện, giáo dục nâng cao… cũng góp phần không nhỏ vào việc kéo dài độ tuổi trung bình cho con người..
“Với những gì diễn ra, chúng tôi không thể dự báo được thay đổi trong bốn thế hệ kế tiếp”, Burger nói.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định loài người khả năng đã đạt đến mức tuổi tối đa. “Hiện tại, xác suất tử vong đang chạm đến giá trị thấp nhất trong lịch sử, tuổi thọ cũng từ đó mà không thể tăng nhiều hơn nữa”, Caleb Finch, Giáo sư thần kinh lão khoa tại Đại học Nam California nói. Hơn nữa, Finch còn cho rằng sự suy thoái môi trường sống, biến đổi khí hậu và ô nhiễm tầng ozone, kết hợp với tình trạng béo phì, bệnh tim và ung thư ngày càng gia tăng đang đưa chúng ta bước vào giai đoạn thoái trào.
Tham khảo: Livescience